Văn hóa

Về làng lụa đọc sách

“Việc mở một Phòng đọc sách khang trang với nguồn sách phong phú tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) giúp bà con tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương […]

“Việc mở một Phòng đọc sách khang trang với nguồn sách phong phú tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) giúp bà con tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương cũng như thư giãn, giải tỏa áp lực công việc,” là ý tưởng mà ông Đỗ Quang Vĩnh (79 tuổi, từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, Đại học Bắc Kinh – Trung Quốc, làm nghiên cứu sinh ở Nga và là tiến sĩ ngành thủy lợi.) nghĩ tới.

Năm 2010, được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND phường Vạn Phúc, Phòng đọc sách khang trang rộng 70m2 chính thức khai trương. Phòng đọc nằm trong khuôn viên miếu Vạn Phúc – di tích lịch sử văn hóa của phường với không gian yên tĩnh, thơ mộng bởi có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát,  hồ nước nhân tạo, những tảng đá ngộ nghĩnh có khắc bàn cờ phục vụ khách tham quan, bạn đọc giải trí … Nguồn sách tại Phòng đọc hầu hết là xã hội hóa, nhiều người yêu quý sách đã tự nguyện ủng hộ như: Nhà xuất bản Long Minh – Giám đốc là ông Đỗ Hoàng Sơn (người Vạn Phúc) tặng Tuyển tập Almanach “Người mẹ và phái đẹp” nặng 7kg, dày 2.304 trang; Alamanach về các nền văn minh thế giới; 100 câu chuyện lịch sử thú vị nhất chưa từng kể; 100 câu chuyện thú vị nhất về chiến tranh chưa từng kể… Nhà xuất bản Thái Hà tặng hơn 40 đầu sách chủ yếu là truyện ngắn, tiểu thuyết. Ông Đỗ Đức Dương (người Vạn Phúc) tặng số sách quý lưu trữ của bản thân. Ông Đỗ Anh Thơ (TP. Hồ Chí Minh) cũng gửi tặng nhiều bộ sách quý… Đến nay, Phòng đọc sách Vạn Phúc có trên 1.000 đầu sách với nhiều thể loại: Luật, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học kỹ thuật, văn học, lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, bộ sách 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội…; còn 20 đầu báo và tạp chí của Phòng đọc được Đảng ủy, UBND phường và quỹ tín dụng nhân dân tài trợ. Phòng đọc mở cửa các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 7 và ngày chủ nhật). Bạn đọc tới tủ sách chủ yếu là cán bộ hưu trí, người cao tuổi trong phường và các em học sinh đến tra cứu tài liệu. Là người học thức cao, am tường ngoại ngữ Anh, Trung, Nga, Pháp, đam mê văn học, lịch sử, ngoài nhiệm vụ quản lý Phòng đọc sách, cho mượn sách, ông còn giải đáp thắc mắc của bạn đọc, trả lời các câu hỏi bạn đọc muốn tìm hiểu. Với uy tín của ông, sau 7 năm Phòng đọc đi vào hoạt động nhưng không hề thất lạc quyển sách nào. Ông Vĩnh kể, nhiều khách du lịch đến tham quan làng lụa Vạn Phúc, khi ghé thăm miếu Vạn Phúc thấy các cụ đọc sách chăm chú, nhiều người hiếu kỳ vào xem và say sưa đọc những cuốn sách nước ngoài. Chỉ thế thôi cũng khiến người tâm huyết với sách, với địa phương như ông vui lắm. Ngoài việc đọc sách để nâng cao tri thức, Phòng đọc còn là nơi để các cụ giao lưu trò chuyện, nắm bắt thời sự, bình luận, dịch thơ…giúp các cụ có thêm niềm vui tuổi già. Một điều thú vị ở Phòng đọc sách Vạn Phúc là hàng tuần Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Thủy đều xuống phòng đọc sách (vì bạn đọc đều là cán bộ hưu trí có trình độ chuyên môn cao như ông Vĩnh, ông Dương, ông Chủng, ông Hùng, ông Trừ…) để thăm hỏi sức khỏe các cụ, chia sẻ về tình hình địa phương nhờ các cụ tham mưu, là động lực để thủ thư Đỗ Quang Vĩnh gắn bó với Phòng đọc hơn. Để thu hút nhiều đối tượng đến đọc sách, phường Vạn Phúc có kế hoạch nâng cấp Phòng đọc với trang thiết bị hiện đại với mong muốn từ Phòng đọc sách nhân dân có thể truy cập kết nối với phường cập nhật thông tin.

Giữa thời buổi kinh tế thị trường, việc mở một Phòng đọc sách miễn phí như Vạn Phúc  nhằm khuyến khích người dân đọc sách góp phần nâng cao văn hóa đọc là việc làm đáng trân trọng ở nơi đây.

1

                Phòng đọc luôn thu hút bạn đọc người cao tuổi

Sông Hương

 

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *