Cuối tuần, nếu có dịp rong ruổi về miền đất Thanh Oai, du khách sẽ có cơ hội được thăm chùa Bối Khê (còn gọi là Đại Bi tự) – một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thời Trần (năm 1338) ở xã Tam Hưng. Đây còn là ngôi chùa có hầm địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp tồn tại đến nay.
Chùa Bối Khê được trùng tu và mở rộng trong 8 đợt dưới các triều Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và triều Nguyễn. Kiến trúc chùa hiện nay chủ yếu giữ lại dáng dấp từ lần trùng tu vào cuối thế kỷ 18, rồi các năm 1923 và 2006. Chùa nằm ngay đầu làng Bối Khê, có cảnh quan đẹp. Bước tới chùa, du khách dễ dàng cảm nhận được không gian u tịch, yên bình nơi đây. Chùa Bối Khê có cổng ngũ môn, trước cổng có cây đa, cây đề cổ thụ và 5 ngôi tháp mộ của các vị trụ trì đã mất. Qua cổng chùa là đến tam quan chùa với hai tầng, tám mái, phía trên có gác chuông. Trong khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ, cây cảnh đan xen với các công trình kiến trúc đẹp mắt, góp phần tôn thêm vẻ trầm mặc, cổ kính của chốn tu hành. Chùa Bối Khê còn có cây sen đất, cứ vào trung tuần tháng ba âm lịch hàng năm, cây nở nhiều nụ non giống như nụ sen dưới nước, hai tuần sau thì nở thành hoa tỏa hương thơm ngào ngạt khắp chùa.
Tòa tiền đường chùa Bối Khê
Khác với kiến trúc các chùa ở đồng bằng Bắc bộ, chùa Bối Khê được bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”, kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Nơi thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và bái đường. Tòa tiền đường rộng 5 gian 2 chái, hàng hiên tựa trên những cột đá xanh có chạm nhiều câu đối ca ngợi cảnh chùa. Tiếp theo là tòa thượng điện thờ Đức thánh Bối. Vật liệu chính của tòa thượng điện làm bằng gỗ mít, được dựng vào khoảng thế kỷ 14. Đặc sắc hơn là các đầu bẩy chạm hình rồng kiểu thời Trần và ở một số đầu đao, ngoài hình rồng còn có cả hình chim thần Garuda. Hai bên tòa thượng điện có hai dãy hành lang chạy song song, thờ các vị La Hán. Đức thánh Bối được thờ ở chùa tên thật là Nguyễn Bình An, người làng Bối Khê, sinh thời ngài tu tại chùa Bối Khê. Ngài có công giúp vua Trần đánh giặc ngoại xâm nên được vua Trần phong làm Thượng đẳng thần, từ đó nhân dân Bối Khê luôn thờ phụng ngài như một vị Thánh tối cao của dân làng. Chùa Bối Khê là chốn đi về cho những ai muốn tâm được thanh tịnh, một địa điểm tuyệt vời cho chuyến du lịch tâm linh.
Chùa Bối Khê còn lưu giữ được 52 pho tượng Phật cổ, đáng chú ý là các tượng Hộ pháp, Thập điện Diêm vương, Tam thế Phật… Trong số đó, bức tượng Quan âm với 12 tay được coi như đẹp nhất. Ngoài ra, chùa còn có hai quả chuông lớn, đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) treo ở tầng trên của tam quan. Tại lối vào chùa có tấm bia đá được khắc từ thời Trần ghi lại công đức của Đức thánh Bối. Chùa Bối Khê được xếp hạng Di tích cấp quốc gia (năm 1979). Lễ hội truyền thống chùa Bối Khê diễn ra từ ngày mùng 10 – 12 tháng giêng hàng năm. Ngoài nghi lễ rước ngai Đức thánh Bối, thì nghi thức cầu mưa – nguồn hạnh phúc nông nghiệp của cư dân lúa nước vẫn được duy trì.
Chùa Bối Khê còn lưu giữ địa đạo thời kháng chiến chống Pháp.( Ảnh: Việt Hay)
Ấn tượng hơn khi khuôn viên chùa Bối Khê từng là một cơ sở kháng chiến chống Pháp của đội du kích sở tại. Chùa còn lưu giữ cửa ra vào hầm ngầm với đoạn địa đạo dài 7m. Hầm được đào năm 1948, dài 3 km, có 3 ngách, 2 cửa xuyên qua tòa thượng điện, chạy qua đền thờ Nguyễn Trực (gần chùa) và chạy vòng quanh làng Bối Khê. Thời đó, nhân dân Bối Khê đào hầm để nuôi giấu cán bộ, cất trữ lương thực và chuyển quân, tạo ra thế liên hoàn chiến đấu dưới lòng đất, khi rút lui trở thành chỗ phòng thủ vững chắc cho quân ta. Cũng tại địa đạo này, nhân dân Bối Khê đã bẻ gãy ba lần tấn công của giặc Pháp, tiêu diệt 372 tên giặc trên đất làng Bối Khê. Mô hình địa đạo ở chùa Bối Khê được nhân rộng ra các làng kháng chiến trong toàn huyện Thanh Oai, rồi tỉnh Hà Tây (cũ) thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Hiện nay, căn hầm này vẫn được gìn giữ và tôn tạo khang trang, tuy chỉ còn lại đoạn ngắn, nhưng là nơi để người dân Bối Khê ôn lại lịch sử hào hùng của quê hương và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Mai Phương
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm