Nếp Sống văn hoá

Vì mục tiêu nâng cao chất lượng

(HNM) – Không phải ngẫu nhiên mà Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Hà Nội dành riêng cho thể loại văn xuôi năm 2017 có đến hai tác phẩm được trao giải, trong đó, giải chính thức thuộc về tiểu thuyết “6 ngày” của tác giả Tô Hải Vân; giải còn lại dành […]

(HNM) – Không phải ngẫu nhiên mà Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Hà Nội dành riêng cho thể loại văn xuôi năm 2017 có đến hai tác phẩm được trao giải, trong đó, giải chính thức thuộc về tiểu thuyết “6 ngày” của tác giả Tô Hải Vân; giải còn lại dành cho “Hồi ức lính”, tác phẩm đầu tay của Vũ Công Chiến.

 
Các tác giả nhận giải tại lễ Trao giải thưởng và kết nạp hội viên 2017 của Hội Nhà văn Hà Nội. Ảnh: Thu Minh

Bên cạnh đó, có chút tiếc nuối khi năm nay không có giải dành cho thơ… Tất cả đều có lý do: Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giải thưởng.

Tôn trọng sự mới mẻ

Nhận xét về tác phẩm “6 ngày”, nhà văn Y Ban, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi đặc biệt đề cao nghệ thuật sáng tạo, sự tìm tòi trong cách thể hiện tâm trạng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ của nhà văn Tô Hải Vân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhà văn Y Ban chia sẻ: “Tác phẩm tạo ấn tượng đặc biệt về khả năng khắc họa nỗi cô đơn trong con người hiện đại, được thể hiện qua những trang viết hóm hỉnh, đan xen cái cũ, cái mới bằng câu chữ của một người viết có nghề”.

Phân tích cụ thể hơn, Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Hà Nội, nhà văn Trần Quang Quý đánh giá: “Với kết cấu đa chiều, lồng ghép không gian và thời gian, nhà văn Tô Hải Vân đã gói trọn thế giới nhân gian phong phú với muôn vàn câu chuyện vừa bi vừa hài, có lý nhưng như thể vô lý. “6 ngày” của Tô Hải Vân là thế giới đẹp đẽ với những số phận mang nét riêng của người Hà Nội xưa và nay. Bút pháp hài hước, tự tiết chế để luôn dừng đúng lúc, đó là điều mà văn xuôi Việt Nam chưa có nhiều”.

Vì sao bên cạnh giải thưởng chính thức còn có thêm giải thưởng dành cho tác phẩm đầu tay “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến? Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thu Huệ, đây chính là hình thức kịp thời để “ghi nhận và cổ vũ các tác giả bước đầu đến với văn học đã để lại ấn tượng tốt”.

Nhà văn Y Ban cho biết: “Có tới 60 tác phẩm gửi tham dự Giải thưởng văn xuôi năm nay, trong đó có 9 cuốn vào được vòng bỏ phiếu cuối cùng của Hội đồng văn xuôi, chọn được 2 tác phẩm trình Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội xét giải, gồm “6 ngày” và “Hồi ức lính”. Vinh danh “6 ngày” là xứng đáng, nhưng không thể bỏ qua “Hồi ức lính”. Tôi ấn tượng với vẻ đồ sộ, sự cuốn hút của tác phẩm, cách nói về cái sống và cái chết một cách dung dị như những gì xảy ra hằng ngày”.

Còn nhà văn Trần Quang Quý nhận định: “Khoảng thời gian lùi sau chiến tranh khá xa là thời điểm để những người chiến sĩ đã trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước viết đầy đủ, thấu đáo hơn về cuộc sống và chiến đấu mà họ đã trải qua. “Hồi ức lính” là một cuốn sách như thế. Dù có hơn 700 trang khổ lớn, co chữ nhỏ nhưng đọc rất lôi cuốn vì những trang viết giản dị, trung thực và ngồn ngộn tư liệu về những người lính chiến. Ở đây không thiếu những trang viết hóm hỉnh mà… rất lính”.

Đòi hỏi cao về chất lượng

Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, “những tác phẩm được trao giải đều phải đạt 75% số phiếu bầu trở lên thay vì quá bán như trước đây. Cả “6 ngày” và “Hồi ức lính” đều nhận được 8/8 phiếu bầu”.

Nhưng chính quy định tỷ lệ 75% này khiến Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Hà Nội năm nay “không có gì cho thơ”, do không có tác phẩm đạt tiêu chí này. Cụ thể hơn, theo Trưởng ban Sáng tác Trần Quang Quý, tuy có những tập thơ “có dư luận”, có ưu điểm ở mặt này, mặt khác nhưng chưa có tập thơ nào thể hiện sự vượt trội so với mặt bằng chung và của chính tác giả đó ở những tập thơ trước để có thể trao giải. 100% Ủy viên Hội đồng chung khảo đồng ý ra nghị quyết, không trao giải thơ năm 2017.

Nhà văn Trần Quang Quý khẳng định: “Tinh thần chung là, nếu các tác phẩm không đủ chất lượng trao giải, không được quá 75% số phiếu bầu thì không trao giải. Rất tiếc cho giải thơ và tình hình thơ năm 2017”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc này, nhà văn Y Ban chia sẻ: “Thực ra, Ban Chấp hành đã phải “cãi nhau nảy lửa” mới đi đến quyết định, rằng khi kết nạp hội viên chỉ cần 50% số phiếu bầu, còn xét giải phải đạt 75%. Chúng tôi phải cân nhắc mọi vấn đề. Khi xét giải tác phẩm văn chương, tỷ lệ 50% còn có thể cảm tính, nhưng với tỷ lệ 75% thì tính học thuật chắc chắn sẽ cao hơn, bởi nếu xảy chuyện “mua giải” thì làm sao “mua” được hai phần ba số ủy viên Ban Chấp hành”.

Suy cho cùng, phải cân nhắc thật kỹ càng để tác phẩm đoạt giải không gây “eo xèo”, làm giải thưởng “mất thiêng”! Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Hà Nội có chất lượng riêng. Như cách nói của nhà văn Y Ban thì “gì thì gì, vẫn phải giữ được chất lượng của giải thưởng, đó là chuyện sống còn!”.

Có một chi tiết thú vị là cả hai tác phẩm đoạt giải thưởng dành cho tác phẩm văn xuôi và tác phẩm đầu tay của Hội Nhà văn Hà Nội đều “qua tay” biên tập viên Hoàng Anh – Trưởng chi nhánh Hà Nội của Nhà Xuất bản Trẻ. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, biên tập viên Hoàng Anh cho biết: “Tôi nghĩ mình rất may mắn được tiếp cận và góp phần đưa các cuốn sách này đến với bạn đọc. Tiểu thuyết “6 ngày” có sự tính toán vô thức từ thói quen của một người viết lâu năm, “có chất” từ lâu. Còn “Hồi ức lính” thu hút bởi sự chân thực – làm cho văn chương trở nên đáng tin cậy, giúp người đọc hiểu thêm giá trị của hòa bình”.

Theo Báo Hanoimoi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *