Chưa được phân loại

Vì Thủ đô văn minh, giàu bản sắ

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020 Đảng bộ thành phố Hà Nội và được Thành ủy Hà Nội đưa vào Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn […]

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020 Đảng bộ thành phố Hà Nội và được Thành ủy Hà Nội đưa vào Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020″.

Những năm qua, việc triển khai thực hiện đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần bồi đắp nền tảng truyền thống, định hình những giá trị văn hóa mới, vì Thủ đô văn minh, giàu bản sắc.

Đẩy mạnh tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng là một trong những giải pháp hiện thực hóa mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bồi đắp, hoàn thiện nhân cách con người Thủ đô

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là một trong những chương trình hành động có tính bao quát, hướng tới mục tiêu đặt văn hóa là trung tâm chính sách phát triển, khẳng định tinh thần quyết liệt trong đổi mới, sáng tạo, bồi đắp, củng cố nền tảng văn hóa Thăng Long – Hà Nội trong đời sống hôm nay. Việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình nhằm cụ thể hóa một trong ba khâu đột phá được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI của Đảng bộ Thủ đô đó là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”.

Chương trình số 04-CTr/TU đã được các ngành, các cấp tập trung thực hiện bài bản, quyết liệt, sáng tạo; coi văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh mềm, trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô. Nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực được triển khai. Trong đó phải kể đến, năm 2017, UBND thành phố ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ứng xử văn hóa; đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực trên địa bàn Thủ đô.

Sau 3 năm, đã có hơn 40 nghìn sổ tay quy tắc ứng xử được ban hành; 584 xã, phường, thị trấn và 7.960 thôn, tổ dân phố tổ chức tọa đàm về quy tắc ứng xử; hàng trăm hội thi, đợt tuyên truyền, phong trào thi đua về quy tắc ứng xử được triển khai từ thành phố tới cơ sở… Nhờ vậy, các quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Đặc biệt, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan đã có chuyển biến rất rõ nét. Trước khi ban hành quy tắc ứng xử, việc thực hiện giờ giấc, kỷ cương hành chính, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức còn xảy ra vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân. Đến nay, sau một số vụ việc được xử lý nghiêm, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức thành phố có chuyển biến mạnh mẽ, được nhân dân đánh giá cao.

Tại nơi công cộng, những hành vi, như: Nói tục, chửi bậy; xả rác bừa bãi; chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; xâm phạm cảnh quan, không gian tín ngưỡng; gây mất an ninh trật tự nơi công cộng… đã giảm, góp phần tích cực trong việc xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, bồi đắp và hoàn thiện nhân cách người Thủ đô.

Phát triển văn hóa – con người Hà Nội thực sự tiêu biểu

Song song với việc đưa hệ thống quy tắc ứng xử vào cuộc sống, thành phố Hà Nội còn thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa; vận động thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội văn minh, góp phần bảo vệ, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp.

Cùng với đó, thành phố tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về “Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô”. Đồng thời tiếp tục triển khai dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh”, “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông Hà Nội”, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng trường học văn hóa. Tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc, phục vụ công chúng và những người yêu sách, nâng cao văn hóa đọc ở Thủ đô…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới có những chuyển biến rõ nét; công tác quản lý và tổ chức lễ hội đem lại hiệu quả thiết thực. Với chính sách hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng, số gia đình tổ chức hỏa táng cho người thân qua đời tăng lên, hiện đạt tỷ lệ 60,85%. So với nhiệm kỳ trước, những tồn tại như: Nguy cơ cháy nổ từ việc đốt vàng mã; ùn tắc giao thông; rác thải gây ô nhiễm; chặt chém và chèo kéo du khách ở các di tích; xô xát trong lúc cướp lộc ở lễ hội… đã được khắc phục.

Đánh giá hiệu quả triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy nhấn mạnh, sức lan tỏa của chương trình đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến nhiều đổi mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội, góp phần bồi đắp các giá trị tinh thần, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục kiên trì mục tiêu phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại trên nền tảng những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long – Hà Nội. Trong đó, tập trung huy động sự tham gia của các cấp, ngành từ thành phố tới cơ sở, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn hóa. Đồng thời tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên. Cùng với đó là phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố tiếp tục tranh thủ ý kiến chuyên gia và cộng đồng để có thêm sáng kiến, giải pháp phát triển văn hóa – con người Hà Nội thực sự tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc, xứng đáng với vị thế, tầm vóc của Thủ đô, tình cảm, mong đợi của nhân dân cả nước.

Theo Báo Hànộimới

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/979666/vi-thu-do-van-minh-giau-ban-sac

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *