Đó là chủ đề của tọa đàm do Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) tổ chức vào chiều 21/11 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và là một trong chuỗi các hoạt của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.
Tham gia diễn đàn có: PGS, TS Đinh Hồng Hải – Trưởng bộ môn Nhân học, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; Diễn giả Tiến sĩ Bùi Minh Hào; CEO Vua dép lốp Nguyễn Tiến Cường; Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang; CEO Hạnh Silk Lương Thanh Hạnh.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS,TS Đinh Hồng Hải cho biết: Nói đến làm ăn, đến phát triển kinh tế thì không thể không nói đến vốn. Trên thực tế, chúng ta có rất nhiều loại vốn: Vốn kinh tế, vốn con người, vốn văn hóa… Trong đó “vốn văn hóa” có thể mở rộng là “vốn dân tộc” với buổi tọa đàm hôm nay, các diễn giả sẽ bàn đến vai trò của vốn văn hoá đối với sự sáng tạo.
Đúng như chủ đề, tọa đàm đã mang đến cho khán giả những kiến thức khoa học về “vốn văn hóa” và những câu chuyện về sử dụng “vốn văn hoá” để khởi nghiệp thành công. Theo diễn giả Tiến sĩ Bùi Minh Hào: Khái niệm “Vốn văn hóa” (Cultural Capital) được nhà xã hội học Pháp – Pierre Bourdieu xây dựng và vận dụng trong các công trình nghiên cứu về xã hội học. Từ khi xuất hiện đến nay, khái niệm vốn văn hóa đã được nhiều nhà nghiên cứu vận dụng, phê phán, bổ sung nhiều ý nghĩa mới và cũng tạo ra nhiều phương pháp tiếp cận, khung phân tích khác nhau.
Ở Việt Nam, trước đây đã có một số nhà nghiên cứu quan tâm đến vốn văn hoá. Ví như: Trần Đình Hượu đã đề cập đến vốn văn hoá với cách hiểu là nguồn lực văn hóa của một dân tộc. Trần Hữu Dũng đã phân chia vốn văn hóa ra thành vốn văn hóa vật thể và vốn văn hóa phi vật thể và xem vốn văn hóa là điều kiện, kết quả của các hoạt động của con người sản sinh ra và sau đó nó có ảnh hưởng lại quá trình phát triển của đời sống con người… Với TS Bùi Minh Hào: Vốn văn hoá được hiểu là các nguồn lực vật thể và phi vật thể, biểu hiện cá nhân hoặc cộng đồng, có thể luân chuyển và tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quá trình kinh tế để tạo ra lợi ích cho con người.
Nếu như Tiến sĩ Bùi Minh Hào mang đến toạ đàm những kiến thức khoa học thì chia sẻ của các khách mời lại là minh chứng thuyết phục về khởi nghiệp sáng tạo dựa trên vốn văn hoá. Đó là chuyện của CEO Nguyễn Tiến Cường đã nhìn thấy được “giá trị và tiềm năng” của những đôi dép lốp từ người bố vợ và rồi lựa chọn nó để “khởi nghiệp” và thành công với “Vua dép lốp”. Hay như CEO Lương Thanh Hạnh, người đã xây dựng thương hiệu Hanhsilk được yêu thích từ nghề dệt đũi truyền thống Nam Cao ở Thái Bình. Là câu chuyện của nhà thiết kế Vũ Thảo Giang – Người đã tạo dấu ấn với nhiều bộ sưu tập thời trang, đặc biệt là áo dài. Với những thiết kế thời trang mang đậm bản sắc văn hoá của nhiều vùng miền từ chất liệu đến hoa văn… Vũ Thảo Giang đã góp phần giới thiệu và quảng bá những giá trị đặc sắc, độc đáo của văn hoá dân tộc Việt Nam đến với đông đảo những người yêu thích thời trang trong nước và bạn bè quốc tế.
Theo Tiến sĩ Bùi Minh Hào, dù ở các lĩnh vực khác nhau nhưng ở góc độ của một nhà nghiên cứu cho thấy điểm chung của 3 khách mời là đều sử dụng vốn văn hoá dân tộc để khởi nghiệp và đã thành công khi tạo dựng được thương hiệu của riêng mình.
Cũng theo Tiến sĩ Bùi Minh Hào: Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt nhanh chóng, việc phát triển dựa trên các nguồn vốn văn hóa là một định hướng quan trọng. So với các nguồn vốn tự nhiên thì các nguồn vốn văn hóa đa dạng hơn, phong phú hơn, phân bố đồng đều hơn khi mà hầu như cộng đồng nào cũng có nguồn vốn văn hóa riêng của mình. Hơn nữa, nguồn vốn văn hóa còn có khả năng tái tạo nhanh hơn so với các nguồn lực tự nhiên. Đặc biệt, sự phát triển từ các nguồn vốn văn hóa cũng mang tính bền vững cao hơn khi bản thân văn hóa là sự kết tinh của các tương tác giữa con người với tự nhiên và con người với xã hội qua nhiều thế hệ khác nhau. Vì vậy phát triển kinh tế từ vốn văn hóa là xu thế và là con đường để hướng đến phát triển bền vững.
Diệu Nhi