Vovinam – Việt võ đạo do cố võ sư Nguyễn Lộc (1912 – 1960) người xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất sáng lập. Tâm nguyện và hoài bão của ông là xây dựng một môn võ mang tính dân tộc, khoa học và hiện đại giúp thanh niên có một phương pháp rèn luyện sức […]
Vovinam – Việt võ đạo do cố võ sư Nguyễn Lộc (1912 – 1960) người xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất sáng lập. Tâm nguyện và hoài bão của ông là xây dựng một môn võ mang tính dân tộc, khoa học và hiện đại giúp thanh niên có một phương pháp rèn luyện sức khỏe mang danh dân tộc.
Màn biểu diễn Vovinam của các võ sinh huyện Thạch Thất
Nguyễn Lộc đã lấy môn vật và võ dân tộc Việt Nam làm nền tảng, khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để dung nạp và hóa giải, nhất là cải tiến nền tảng kỹ thuật của mình. Do vậy, hệ thống kỹ thuật (đòn thế, bài bản…) của môn phái Vovinam khá phong phú, đa dạng và mang một số nét đặc trưng: Tính thực dụng, tính liên hoàn, nguyên lý cương – nhu phối triển (vận dụng các nguyên lý khoa học và nguyên tắc một phát triển thành ba). Phương thức này giúp người tập luyện thật kỹ, nắm vững những kỹ thuật, bài bản đã học để sử dụng có hiệu quả trong thực tế. Năm 1938, võ sư Nguyễn Lộc đem Vovinam huấn luyện cho một số thân hữu để thử nghiệm, rồi đưa lớp võ sinh đầu tiên ra biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tạo tiếng vang lớn. Năm 1954, ông cùng một số môn đệ tâm huyết vào Nam mở trường dạy Vovinam ở các nơi. Ngày nay, Vovinam được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.
Hữu Bằng thường tổ chức khóa thi lên đai cho các võ sinh
Tiếp nối những gì ông tổ để lại cho con cháu xã Hữu Bằng, ngày nay người dân trong làng cũng như thế hệ trẻ, ngoài việc trau dồi kiến thức trong học tập còn tích cực tham gia tập luyện võ Vovinam nhằm rèn luyện sức khỏe. Mặc dù ông tổ sư Vovinam là người Hữu Bằng nhưng khoảng 5 năm trở lại đây các lớp học võ mới được mở, mỗi lớp có khoảng 100 cháu, độ tuổi từ tiểu học tới trung học phổ thông. Kinh phí do các gia đình ủng hộ mua thảm và dụng cụ tập luyện. Thành công nhất của Vovinam Thạch Thất phải kể đến, trong năm 2012, những người con Hữu Bằng tham gia thi đấu Vovinam thành phố Hà Nội đã thắng lớn với 9 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 7 huy chương đồng. Những cái tên làm rạng danh đất võ như Nguyễn Đình Nguyên – HCV biểu diễn tứ tượng côn pháp tại giải vô địch Vovinam thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Trinh – HCV đối kháng hạng cân 42 giải trẻ Hà Nội; Nguyễn Hữu Chiến – HCB giải trẻ toàn quốc năm 2012 và HCB Hội khỏe phù đổng toàn quốc năm 2013…Những phần thưởng cao quý này thể hiện tấm lòng thành kính của thế hệ trẻ Hữu Bằng dâng tặng vị tổ sư. Hiện nay, các trường học trên địa bàn huyện Thạch Thất gồm THCS Canh Nậu, THCS Bình Phú, Tiểu học Hữu Bằng… đang mở các lớp võ Vovinam, mỗi lớp thu hút từ 50-100 em. Tại trung tâm TDTT huyện cũng duy trì một vài lớp.
Ngôi nhà thờ ông tổ Vovinam, võ sư Nguyễn Lộc ở thôn Giếng, xã Hữu Bằng ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều hình ảnh của ông. Dù công việc làng nghề, kinh doanh dịch vụ bận rộn nhưng người dân Hữu Bằng luôn tâm niệm phải giữ gìn tinh thần thể thao cho các thế hệ trẻ để nối tiếp truyền thống võ thuật của tổ sư.
Mai Chi