Có vị trí trung tâm của Thủ đô, bên cạnh những di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, quận Hoàn Kiếm còn có những khu phố cổ với những phố nghề, làng nghề, đặc biệt là di sản văn hóa độc đáo: nét văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch đặc trưng của […]
Có vị trí trung tâm của Thủ đô, bên cạnh những di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, quận Hoàn Kiếm còn có những khu phố cổ với những phố nghề, làng nghề, đặc biệt là di sản văn hóa độc đáo: nét văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch đặc trưng của người Hà Nội. Để tìm lại nét hào hoa, lịch lãm của người dân đất Kinh kỳ, đồng thời phát huy những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội xưa và nay, ngày 17/12/2008, quận Hoàn Kiếm đã phê duyệt đề án “Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ”. Cho đến nay, Đề án đã tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, từng bước xác lập những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ.
Trong sự phát triển chung cúa Thủ đô, bên cạnh mặt tích cực thì sự phát triển kinh tế- xã hội với sự gia tăng dân số cơ học, khách tham quan du lịch… đã ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan môi trường, thói quen trong sinh hoạt và cách ứng xử của người dân khu phố cổ (KPC) trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Bên cạnh những người giữ gìn, phát huy được những giá trị truyền thống thì một bộ phận người dân KPC sống thực dụng, ý thức chấp hành pháp luật kém, thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bánm, tùy tiện đổ rác, một số người kinh doanh thiếu chữ Tín…Trước thực trạng đó, sự ra đời của Đề án “Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” chính là đòi hỏi tất yếu khách quan. Đề án gồm 5 tiêu chí cơ bản: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Giao tiếp, ứng xử có văn hóa. Có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Trang phục gọn gàng, lịch sự. Kinh doanh văn minh thương mại. Nhờ những bước chuẩn bị khoa học, kỹ càng, ngay sau khi ra đời, Đề án đã được 100% hộ dân trên địa bàn ký cam kết thực hiện.
Để Đề án đi vào cuộc sống, quận Hoàn Kiếm đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục qua các cuộc họp tổ dân phố, hội nghị đại biểu nhân dân hàng năm, phát tờ gấp đến từng hộ gia đình, các cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn…Đặc biệt, quận coi kết quả triển khai Đề án là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa.
Phù hợp với thực tiễn và lòng dân, Đề án đã từng bước được quận Hoàn Kiếm đưa vào cuộc sống. 5 tiêu chí của Đề án được lồng ghép với phong trào xây dựng đời sống văn hóa; gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân, các cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn đã nắm được nội dung Đề án, tích cực thực hiện. Qua việc triển khai Đề án, đã xuất hiện nhiều sáng kiến hay: Nhân dân phường Hàng Bông quan tâm đến việc nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp; nâng cao ý thức trong việc giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, tích cực tham gia bóc xóa quảng cáo rao vặt trái phép. Biểu dương người tốt việc tốt, phê phán những hành vi xấu trong lối sống, văn hóa ứng xử qua hệ thống truyền thanh. Phường Đồng Xuân- Trung tâm thương mại trong KPC- chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử gắn với văn minh thương mại. Nghệ nhân Ánh Tuyết mở cửa hàng truyền dạy các món ăn truyền thống Hà Nội cho du khách nước ngoài để quảng bá, giới thiệu về văn hóa ẩm thực của đất kinh kỳ. Hội LHPN quận tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ, bà con kinh doanh thực hiện nét đẹp thanh lịch trong kinh doanh thương mại; xây dựng các tiêu chí về văn hóa trong kinh doanh thương mại: giữ chữ tín, buôn bán thật thà, ăn mặc lịch sự, mời chào đon đả, vui vẻ, nói có lời cảm ơn, xin lỗi, kính trên, nhường dưới, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi…
Sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn quận đã từng bước tạo ra những chuyển biến trong các KPC. Phố phường khang trang, sạch sẽ, văn minh hơn. Đằng sau sự ồn ào, sôi động của các khu phố là những nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử được khôi phục, bồi đắp hàng ngày. Hiện tượng cãi vã giữa người bán – người mua giảm rõ rệt. Câu khẩu hiệu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” đã thực sự bám rễ trong đời sống. Trong mỗi gia đình KPC, nếp sống văn hóa được giữ gìn, phát huy. Cách ứng xử giữa ông bà, con cháu ngày càng mẫu mực. Tình cảm giữa các gia đình khối phố thêm đoàn kết, gắn bó. Những nét đẹp trong văn hóa ứng xử được duy trì, nhân rộng đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với KPC để tham quan, mua sắm. Từ đó, các giá trị văn hóa lại tiếp tục được giới thiệu, quảng bá, tạo sức hút cho du lịch Thủ đô nói chung, du lịch Hoàn Kiếm nói riêng.
Việc thực hiện Đề án “Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” là một sáng tạo của quận Hoàn Kiếm trong triển khai Chương trình 04 của Thành ủy. Xác định đây là việc làm phải duy trì thường xuyên, lâu dài, quận Hoàn Kiếm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án, vun đắp cho những giá trị văn hóa truyền thống, đưa quận phát triển toàn diện và bền vững.
Cùng với nhiều biện pháp đồng bộ, việc thực hiện Đề án góp phần xây dựng Hoàn Kiếm trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn
Vân Thu