(HNM) – Sau hơn 2 năm đi vào cuộc sống, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang chứng tỏ sức ảnh hưởng rộng khắp, khi xuất hiện ngày một nhiều những tấm gương sáng, những điển hình vun đắp cho văn hóa ứng xử, nỗ lực xây […]
(HNM) – Sau hơn 2 năm đi vào cuộc sống, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang chứng tỏ sức ảnh hưởng rộng khắp, khi xuất hiện ngày một nhiều những tấm gương sáng, những điển hình vun đắp cho văn hóa ứng xử, nỗ lực xây dựng nơi đáng sống cho cộng đồng. Nhân rộng mô hình hay, việc làm tốt vì cộng đồng đang là mục tiêu được các cấp, ngành từ thành phố tới cơ sở quan tâm, tích cực tìm giải pháp.
Gương sáng từ cơ sở
Trên địa bàn tổ dân phố Xuân Nhang 1 (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) có tuyến ngõ 205, dài 300m, rộng 5m là lối đi chung của cả cộng đồng. Trước đây, nơi này không có gì đặc biệt, nhưng hiện được nhiều nơi học tập cách xây dựng, duy trì “tuyến đường nở hoa”.
Đổi thay tích cực này đến từ nỗ lực chăm chút của người dân trong tổ dân phố, mà điển hình là bà Đỗ Thị Tỵ. Hằng ngày, thấy bà Tỵ hăng hái tưới cây, nhổ cỏ, bắt sâu, dọn dẹp tuyến ngõ, nhiều người cũng hào hứng chung tay để tuyến đường ngày một sinh động, đẹp mắt hơn. Bà Đỗ Thị Tỵ chia sẻ: “Việc gì tốt, việc gì hay cho tập thể thì nên làm; trước hết là vì nơi mình sống, sạch, đẹp cho chính mình, người thân của mình và khối phố”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh, Tổ trưởng tổ dân phố Xuân Nhang 1, nhờ ý thức của người dân trong đó có sự đóng góp tích cực của bà Đỗ Thị Tỵ, mà tuyến ngõ 205 luôn duy trì sắc màu rực rỡ, hằng năm đều đạt giải cao trong các cuộc thi “Tuyến đường xanh – sạch – đẹp” do quận, phường tổ chức. Đáng quý hơn, việc duy trì đường hoa đã trở thành một trong những hoạt động gắn kết cộng đồng, thể hiện sự quan tâm, vun đắp cho nếp sống văn hóa ở cơ sở.
Tương tự bà Đỗ Thị Tỵ, ông Tô Đăng Diện, Tổ trưởng tổ dân phố 17 (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) cũng được nhân dân địa phương đánh giá là người gương mẫu và nhiệt huyết với công việc ở khu dân cư.
Bà Trần Thị Thanh Hồng, tổ dân phố 17, nhận xét: “Ông Diện luôn chủ động làm gương, kết hợp với thuyết phục để người dân cùng tham gia. Chính vì vậy, từ việc cải tạo các ô đất trồng hoa trước nhà; thực hiện tổng vệ sinh sáng thứ bảy hằng tuần, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; vận động không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… đến hòa giải mâu thuẫn ở cơ sở, việc làm nào cũng mang dấu ấn của người tổ trưởng hết lòng vì tập thể. Gia đình ông Diện cũng là một trong những hộ tiên phong tổ chức cưới hỏi cho con bằng hình thức tiệc trà ở địa phương…”.
Lan tỏa việc tốt trong xã hội
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, có thể nhận thấy, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện ngày một nhiều những mô hình hay, việc làm tốt vì cộng đồng. Kết quả này không chỉ là “thước đo” cho sức lan tỏa của hệ thống quy tắc ứng xử, mà còn cho thấy một khát khao thay đổi, vì chất lượng cuộc sống.
Có thể kể đến, nỗ lực cải tạo, bảo vệ môi trường cảnh quan của nhân dân thôn Vân Đình (thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa), khu dân cư số 3 (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn); những cách làm hay góp phần lan tỏa văn hóa ứng xử của khu dân cư số 3 (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), tổ dân phố Đông Ngạc 2 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), Hội Cựu chiến binh phường Hàng Bột (quận Đống Đa).
Hay những tấm gương sáng, đi đầu trong việc vun đắp, xây dựng nơi đáng sống cho thôn, làng, tổ dân phố như: Bà Trần Thị Dung (ở tổ dân phố Đại Cát 2, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm); Bí thư chi bộ 3 (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) Nguyễn Văn Tuấn; cán bộ hòa giải tổ dân phố số 9 (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) Khúc Văn Thoi…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền khẳng định, nếu như việc đẩy mạnh tuyên truyền giúp Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố trở nên quen thuộc với mọi người, thì những sáng kiến hay, hành động đẹp lại mang đến tiếng nói gần gũi, thuyết phục, góp phần lan tỏa việc làm tốt, hành động đẹp trong xã hội.
Để nhân rộng những tấm gương, điển hình trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng nói riêng, hệ thống quy tắc ứng xử nói chung, Hà Nội đã phát động phong trào giới thiệu và viết về điển hình tiên tiến trong thực hiện quy tắc ứng xử; tổ chức liên hoan “Gia đình văn hóa tiêu biểu” thành phố Hà Nội, nhằm đẩy mạnh sức lan tỏa của những hình mẫu về thực hiện văn hóa ứng xử trong đời sống.
“Trong năm nay, thành phố sẽ tổ chức đánh giá việc triển khai, thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử để rút kinh nghiệm; đồng thời đưa ra những giải pháp để tiếp tục nhân rộng mô hình, điển hình tiêu biểu về thực hiện văn hóa ứng xử”, bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết thêm.
Cùng với nỗ lực của thành phố, nhiều quận, huyện, thị xã cũng đang tích cực nhân rộng những mô hình hay, điển hình tiêu biểu về thực hiện văn hóa ứng xử.
Các huyện Quốc Oai, Ba Vì với hội thi tìm hiểu, tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng năm 2019; huyện Thanh Oai xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; thị xã Sơn Tây, các quận Bắc Từ Liêm, Đống Đa… triển khai nhiều mô hình tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng, với một số chủ đề, như: Tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh – sạch – đẹp; chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung…
Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền cho biết: Việc phát động các mô hình tuyên truyền về quy tắc ứng xử đã góp phần đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong đời sống, kịp thời động viên, khích lệ, là cơ sở nhân rộng những việc làm hay, tấm gương tốt trong cộng đồng.
Hiện tại, quận Bắc Từ Liêm đã triển khai được 3 mô hình ở các phường Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Đức Thắng, Cổ Nhuế 2…, với các tiêu chí cụ thể, gần gũi để người dân tích cực tham gia, thực hiện.
Theo HNM