Phong trào TDĐKXDĐSVH ở Đại Thắng được triển khai rộng khắp, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đại Thắng là xã được chọn làm điểm xây dựng Nông thôn mới của thành phố Hà Nội. Nhưng nhắc đến Đại Thắng cũng là nhắc đến xã có nhiều phong trào thi đua dẫn đầu của huyện Phú Xuyên, đặc biệt, đây cũng là xã nhiều năm liền dẫn đầu phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống Văn hóa của huyện (TDĐKXDĐSVH), được báo cáo điển hình trong các hội nghị tổng kết Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của huyện và của cả thành phố Hà Nội. Phong trào TDĐKXDĐSVH ở Đại Thắng được triển khai rộng khắp, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH, dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của ban công tác mặt trận, nhân dân và cán bộ xã Đại Thắng đã đoàn kết, cần cù, vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất với mô hình gieo mạ khay cấy lúa bằng máy… góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Năm 2014 xã đã đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong Phong trào TDĐKXDĐSVH, xã đã nhanh chóng triển khai và kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào (BCĐ), ban văn hóa xã làm nòng cốt. Để phong trào đạt hiệu quả, BCĐ đã chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào; giai đoạn 2 các ngành, đoàn thể, các thôn tổ chức phát động, chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện phong trào. Hàng năm, xã tiến hành thẩm định theo đúng quy định, công khai, minh bạch trong việc xét, phong tặng các danh hiệu văn hóa. Xã cũng tập trung thực hiện các giải pháp trong công tác vệ sinh môi trường, tiến hành ký cam kết để người dân thực hiện dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bỏ rác đúng nơi quy định, tổng vệ sinh vào sáng thứ 7 hàng tuần.vv.
Nhận thức được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Phong trào TDĐKXDĐSVH, người dân ở các thôn đã tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt các nội dung của phong trào, đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Vì vậy, chất lượng xây dựng Làng văn hóa, gia đình văn hóa của xã ngày một hiệu quả, thiết thực. Xã đã trở thành xã Nông thôn mới, xã chuẩn văn hóa nông thôn mới và đang xây dựng Đại Thắng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện.
Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Nguyễn Văn Hoa cho biết, căn cứ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Đại Thắng đã phát động phong trào toàn dân thi đua lao động sản xuất, bảo vệ môi trường. Kết quả, năm 2017, 4 thôn và 5 cơ quan của xã tiếp tục giữ vững danh hiệu đơn vị văn hóa, trên 90% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Những con đường hoa được Đại Thắng xây dựng, tô đẹp thêm bức tranh nông thôn thanh bình của xã
Quả đúng như vậy, chỉ tính riêng việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Đại Thắng đã là xã tiêu biểu của huyện Phú Xuyên. Theo lãnh đạo xã, việc cưới ở đây do Đoàn Thanh niên và Ban Văn hóa xã hội tổ chức, đám cưới được tổ chức tại Nhà văn hóa thôn, mỗi đám cưới UBND xã tặng hoa và 01 triệu đồng, thôn tặng quà trị giá 500 ngàn đồng. Qua tính toán, mỗi đám cưới tiết kiệm được từ 5-7 triệu đồng. Trong lễ hội, Đại Thắng đã biết phát huy những giá trị truyền thống, khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước trong các hoạt động cộng đồng. Địa phương đã nêu cao tinh thần lương – giáo đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, là xã nhiều năm liền dẫn đầu huyện về phong trào tự quản và bảo vệ an ninh tổ quốc …
Di tích lịch sử – văn hóa chùa Rối – xã Đại Thắng
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Đại Thắng phát triển mạnh mẽ, sôi nổi, được duy trì và tổ chức vào các dịp tết, lễ hội. Ngoài ra khu dân cư còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đón xuân nhân dịp tết cổ truyền và những ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, dịp lễ hội truyền thống của mỗi thôn. Các thiết chế văn hóa như: nhà văn hóa, khu thể thao bưu điện, nghĩa trang nhân dân cũng được quan tâm đầu tư, cải tạo. Những đường hoa, ngõ tranh ra đời, làm đẹp hơn khung cảnh quê hương Đại Thắng, để Đại Thắng thêm thơ mộng, thanh bình.
Bài: Quỳnh Anh. Ảnh: Thanh Quy