Tin tức - Sự kiện

Xã Hát Môn đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn

           Trên địa bàn huyện Phúc Thọ, xã Hát Môn được biết đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng và Lễ hội truyền thống Đền Hát Môn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ít ai biết […]

           Trên địa bàn huyện Phúc Thọ, xã Hát Môn được biết đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng và Lễ hội truyền thống Đền Hát Môn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ít ai biết rằng, địa phương “nhất làng nhất xã” này lại là cái nôi văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách địa phương với 4 di tích xếp hạng được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Đặc biệt, chính quyền địa phương xã luôn quan tâm và coi trọng nhiệm vụ bảo tồn các di tích, góp phần xây dựng nét văn hóa của dải đất xứ Đoài trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

Đền Hát Môn – Di tích quốc gia đặc biệt của huyện Phúc Thọ

          Ở Hát Môn hiện tại có 4 di tích đã được xếp hạng gồm: Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng, Phủ thờ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì, Đền Đức Thánh Thủy và Chùa Bảo Lâm. Trong đó, ngoài di tích quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn, Phủ thờ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2016. Tại Lễ hội truyền thống Đền Hát Môn năm 2017, 2 di tích Chùa Bảo Lâm và Đền Đức Thánh Thủy vinh dự được công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Từ nhiều năm qua, Đảng ủy – UBND xã Hát Môn luôn coi trọng nhiệm vụ phát huy và bảo tồn các giá trị di tích lịch sử có trên địa bàn. UBND xã đã chỉ đạo thành lập mỗi di tích có một Ban quản lý di tích với cơ cấu theo đặc điểm riêng của từng di tích. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của UBND, UBMTTQ, công chức văn hóa xã hội, các cụ cao niên, đại diện dòng họ tham gia trong thành phần Ban quản lý. Đặc biệt, các di tích hoạt động có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của UBND xã, luôn thực hiện đúng theo các quy định hoạt động do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định. Người dân Hát Môn không chỉ tự hào với bề dày lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong các cuộc kháng chiến cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà còn tự hào bởi mảnh đất thiêng nơi đây được Hai Bà Trưng và nghĩa quân chọn làm nơi lập đàn thề phất cờ khởi nghĩa, cũng là nơi Hai Bà gieo mình trên dòng Hát Giang trở về cõi vĩnh hằng. Tập tục không ăn bánh trôi trước ngày 6/3 âm lịch – Ngày giỗ của Hai Bà Trưng và lễ rước bánh trôi truyền thống tại lễ hội chính là minh chứng cho sự thành kính của nhân dân đối với hai vị liệt nữ anh hùng. Trải qua thời gian và không gian của lịch sử, chính quyền và nhân dân xã Hát Môn luôn dành sự kính trọng, tôn thờ đến các vị anh hùng của dân tộc, đến các bậc thánh nhân có công đánh giặc cứu nước, dạy dân làm ăn và phù hộ cho quốc thái dân an, muôn đời con cháu thịnh vượng. Chính bởi tâm linh và sự biết ơn, hướng về cội nguồn, từ mảnh đất Hát Môn này đã có nhiều người con của quê hương thành danh và làm ăn phát đạt, trở về đóng góp xây dựng quê hương, đặc biệt là thành tâm ủng hộ cho việc xây dựng, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử, các điểm tâm linh trên địa bàn. Ngoài 4 di tích trên, ở Hát Môn còn có 2 điểm tâm linh thờ Thành Hoàng Làng, còn gọi là 2 quán thờ: quán thờ Đức Ông và quán Cả. UBND xã cũng có kế hoạch báo cáo các cấp và cho khôi phục lại di tích Văn Chỉ – nơi ghi danh tên các bậc nhân tài của quê hương. Có thể thấy, trên địa bàn huyện Phúc Thọ, không có địa phương nào lại có nhiều lễ hội, ngày tổ chức dâng hương tế lễ như ở xã Hát Môn. Ngay từ đầu năm mới, ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày dân làng tổ chức dâng lễ tại Quán Đức Ông – thờ Thành Hoàng làng; ngày 8 tháng Giêng làm lễ dâng hương tại Quán Cả. Riêng quần thể di tích Đền Hát Môn có 3 ngày hội lớn được UBND huyện, chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức các nghi lễ trang trọng, tạo nên nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc của mảnh đất Phúc Thọ anh hùng. Lễ hội truyền thống Đền Hát Môn năm 2017 được đánh giá thành công, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với các đại biểu và du khách thập phương.

Lễ đón bằng di tích quốc gia Phủ thờ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì, xã Hát Môn

          Từ những kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội trên quê hương xã Hát Môn, tin tưởng rằng chính quyền và nhân dân nơi đây sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các  di tích trên địa bàn. Từ đó, góp phần quảng bá mảnh đất Phúc Thọ anh hùng đến với bạn bè quốc tế, với nhân dân trong cả nước, xây dựng vùng du lịch tâm linh của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

                                                                              Kim Vân

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *