Lễ hội

Xã Mai Lâm làm tốt công tác quản lý lễ hội

Xã Mai Lâm rất quan tâm đến công tác tổ chức và quản lý lễ hội, để các lễ hội trên địa bàn diễn ra an toàn, tiết kiệm, trang nghiêm và vẫn vui tươi, lành mạnh…

Hàng năm, trên toàn huyện Đông Anh đã có hàng trăm lễ hội truyền thống diễn ra, trong đó có xã Mai Lâm.

Xã Mai Lâm vốn là tổng Cói xưa kia, là vùng đất cổ nước Việt – vùng đất này đã có từ thời vua An Dương Vương. Từ bao đời nay, vùng Cói Mai Lâm luôn giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của cha ông, trong đó có các lễ hội. Thế nên, hiện nay 7/7 thôn của xã đều tổ chức lễ hội cổ truyền. Đó là các thôn Du Nội, Du Ngoại, Thái Bình, Phúc Thọ, Lê Xá, Lộc Hà, Mai Hiên.

Lễ hội cổ truyền trên địa bàn xã Mai Lâm tập trung chủ yếu vào mùa Xuân, diễn ra từ ngày 08 – 15 tháng Ba âm lịch, luôn thu hút đông đảo người dân và du khách dự hội.

Lễ hội thôn Thái Bình hàng năm được tổ chức tưng bừng tại đình làng và thu hút rất đông khách thập phương. Xưa kia, hội làng Cói Thái Bình thường kéo dài đến 5 ngày với nhiều nghi thức long trọng, nay chỉ gói gọn trong 01 ngày.

Đình Thái Bình và chùa Diên Phúc Tự của làng Thái Bình đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật quốc gia ngày 31-01-1992.

Đình Thái Bình thờ Lý Chiêu Hoàng (1218-1278 ?). Bà sinh tháng Chín, mất tháng Ba âm lịch. Bà được dân làng tôn là Vua Bà, Không những được Nhân dân Thái Bình và nhiều nơi lập điện thờ cúng, tôn là Vua Bà, các triều đại phong kiến sau này đã ban nhiều đạo sắc phong tước hiệu cao quý cho Bà. Tại đình Thái Bình, Bà được vinh danh là Nguyên lý thần hiệu, Phật Kim thượng hoàng thái hậu linh ứng, Phụ quốc hiển hựu khang dân chi thần và tặng phong mỹ tự là công thần. Ngày sinh, ngày mất của Vua Bà đều được dân làng tôn kính thờ cúng, dâng hương, tương truyền ngôi đình Thái Bình thờ Bà nên rất linh thiêng.

Thôn Lê Xá thờ thành hoàng làng là Đào Kỳ và Phương Dung  – Hai vị tướng của Hai Bà Trưng. Hàng năm hội làng Lê Xá được tổ chức vào ngày 15 tháng Ba âm lịch. Trong lễ hội, phần lễ được tổ chức trang trọng với các nghi thức rước, tế lễ. Phần hội có nhiều trò chơi, tiêu biểu là thi đánh chạc (thi bện thừng), thi bắt vịt, chọi gà; hát ca trù, hát quan họ. Ngày nay còn có liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao…

Tiếp thu tinh hoa của cha ông để lại, ngày nay xã Mai Lâm luôn quan tâm đến công tác tổ chức và quản lý lễ hội, để các lễ hội trên địa bàn diễn ra an toàn, tiết kiệm, trang nghiêm mà vẫn vui tươi, lành mạnh. Các lễ hội của địa phương đã phát huy được giá trị, ý nghĩa, khơi dậy được truyền thống uống nước nhớ nguồn trong các tầng lớp Nhân dân.

Bên cạnh đó, khi tổ chức lễ hội, xã Mai Lâm đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân thực hiện tốt các quy định về tổ chức lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường ở các di tích và lễ hội cho Nhân dân.

Xã Mai Lâm còn quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy các di tích trên địa bàn; vận động Nhân dân cùng tham gia bảo vệ di tích và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, bệnh trước, trong và sau lễ hội…

Tưng bừng các lễ hội ở xã Mai Lâm

Đặc điểm chung ở xã Mai Lâm khi tổ chức lễ hội hàng năm hiện nay là: Các Lễ hội diễn ra các nội dung: Lễ rước (như Lễ rước nước của thôn Du Nội, thôn Thái Bình, thôn Phúc Thọ); tổ chức tế lễ, rước kiệu ở tất cả các lễ hội ở các thôn…Phần hội được tổ chức tưng bừng với các giải thi đấu bóng chuyền hơi, cầu lông, giải bóng đá nam – nữ; các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt vịt…Đáng lưu ý, các thôn trong xã đều có từ 1 – 2 đêm giao lưu văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật chèo chuyên nghiệp…thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương về trẩy hội.

 Mai Thanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *