Di sản – Bảo tồn

Xã Tân Triều: Bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Triều Khúc

Lễ hội thu hút đông đảo du khách gần xa bởi nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn, nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Tiêu biểu nhất là điệu múa Bồng – điệu múa cổ do trai làng đóng giả làm con gái biểu diễn…

Xã Tân Triều (huyện Thanh Trì ) có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, với nhiều nét văn hóa đặc sắc của làng nghề truyền thống. Xã có 10 di tích (gồm 02 chùa, 02 đình, 04 đền, 01 miếu, 01 nhà thờ giáo họ), 02 lễ hội truyền thống. Trong đó, Lễ hội Triều Khúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (năm 2019).

Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được tổ chức trang trọng (năm 2020)

Ảnh: Thanh Hồng

Lễ hội Triều Khúc để tưởng nhớ đến công lao của vị anh hùng dân tộc Bố cái đại vương Phùng Hưng, người anh hùng đã phát động cuộc khởi nghĩa thắng lợi chống ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc tại thành Tống Bình – Hà Nội ngày nay. Hàng năm, cứ từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, người dân làng Triều Khúc, xã Tân Triều, lại thành kính, tự hào tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người đã mang lại cuộc sống no ấm, yên bình cho dân làng…Lễ hội làng Triều Khúc được mở đầu bằng lễ rước long bào, triều phục của Vua Phùng Hưng, từ đình thờ Sắc về đình Đại Đình để bắt đầu khai hội.  Đến với Lễ hội, người dự cảm nhận được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn. Bắt đầu lễ hội là những nghi lễ quan trọng không thể thiếu như lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch…cùng hoạt động văn hóa dân gian như múa rồng, múa lân, múa bồng. Tiêu biểu nhất là điệu múa trống bồng – điệu múa cổ do trai làng đóng giả làm con gái, má phấn, môi son, váy nhiễu màu đen với những dải màu ngũ sắc, đầu chút khăn mỏ quạ…vừa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, duyên dáng.

Lễ hội Triều Khúc thu hút đông đảo du khách gần xa

Ảnh: Triệu Quang Xuyên

Một nét đặc sắc nữa của Lễ hội là Lễ rước được kéo dài khoảng trên 500m từ Đại Đình đến Đình thờ Sắc. (Đình thờ Sắc thờ các đạo sắc phong thời Lê Cảnh Hưng 44 (1783) đến thời Khải Định 9 (1924) ban phong mỹ tự cho vị thành Hoàng của làng và Đại đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng). Hội làng còn có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như tế lễ, rước kiệu, múa chạy cờ… Trong ngày cuối của Lễ hội, sau khi kết thúc ba tuần tế là diễn ra điệu múa chạy cờ, tái hiện lại hào khí năm xưa của nghĩa quân Phùng Hưng thao luyện binh mã trước ngày ra trận. Chính bởi những nét độc đáo như vậy nên Lễ hội Triều Khúc thu hút đông đảo Nhân dân xa gần. Điều đó thể hiện được tính phổ biến trong cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận và được chính họ lưu giữ, bảo tồn. Đây là giá trị lịch sử cần phải tôn trọng, giữ gìn và phát huy trong cộng đồng. Đồng thời, cũng là kết quả sự nỗ lực của chính quyền, Nhân dân xã Tân Triều trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản.

Múa Bồng- nét văn hóa đặc sắc của Lễ hội

Ảnh: Thanh Hồng

Từ năm 2019 đến nay, Đảng ủy – HĐND – UBND xã Tân Triều đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cấp ủy Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện hiệu quả Ban quản lý di tích xã và thôn trong việc giữ gìn, nhân rộng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi nắm bắt tình hình tổ chức hoạt động lễ hội trên địa bàn, đôn đốc cơ sở thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự. Công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di sản được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú như: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống đài truyền thanh xã, qua tuyên truyền cổ động trực quan: Băng rôn, áp phích, banner, các bảng thông báo… tại các khu dân cư, các trục đường chính để toàn thể Nhân dân địa phương và du khách biết được về Lễ hội; Nghiên cứu phát triển các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm di sản,trải nghiệm văn hóa làng cổ. Khuyến khích các hộ gia đình sản xuất giới thiệu sản phẩm truyền thống (mở các tuyến du lịch đến các di tích văn hóa, các hộ gia đình làm sản phẩm nghề…, du khách hưởng thụ các điệu múa cổ tại không gian di tích, trải nghiệm tự làm sản phẩm truyền thống); Xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá về di sản và văn hóa địa phương. Đặc biệt, xã Tân Triều đã tổ chức nhiều hoạt động duy trì  và trao truyền các giá trị di sản cho các thế hệ kế cận như: Nghiên cứu xây dựng các quy chế và tài liệu hướng dẫn thực hành lễ hội; Khuyến khích và tạo điều kiện để những người chủ chốt hiện đang thực hành tế lễ, những công việc trọng yếu của lễ hội trao truyền và đào tạo lớp kế cận nhằm gìn giữ, phát huy di sản một cách hiểu biết liên tục với sự hiểu biết đầy đủ và năng lực thực hành tốt; Tổ chức các buổi tọa đàm và trao đổi với thế hệ trẻ về giá trị di sản văn hóa phi vật thể để tạo điều kiện cho các biện pháp trao truyền thực hành và nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ…

Mới đây, Đoàn công tác của UBND huyện Thanh Trì do đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND xã Tân Triều về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội làng Triều Khúc. Đồng chí Nguyễn Văn Hưng đã ghi nhận và đánh giá cao công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Triều Khúc, đồng thời đề nghị trong thời gian tới, UBND xã cần tăng cường nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; Tập trung tuyên truyền cho cán bộ và Nhân dân hiểu rõ về vai trò của di sản văn hóa trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, từ đó giúp người dân nâng cao ý thức, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích qua đó tạo thêm sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan, du lịch.

Thanh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *