Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện việc tuyên truyền, vận động sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, xã Thanh Liệt đã trở thành điểm sáng của huyện Thanh Trì trong thực hiện việc tang văn minh tiến bộ với tỷ lệ hỏa táng […]
Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện việc tuyên truyền, vận động sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, xã Thanh Liệt đã trở thành điểm sáng của huyện Thanh Trì trong thực hiện việc tang văn minh tiến bộ với tỷ lệ hỏa táng đạt 84,3%, nhiều hủ tục bị xóa bỏ.
Xã Thanh Liệt có hơn 14 nghìn nhân khẩu, chia thành 5 thôn và 4 tổ dân phố. Với đặc thù hầu hết dân số sống bằng nông nghiệp, Thanh Liệt có thuận lợi khi tình làng nghĩa xóm được duy trì, phát huy tác dụng trong đời sống. Cũng giống như nhiều vùng quê khác, người dân Thanh Liệt đã quen với việc tang theo cách “truyền thống” – việc tang cũng đồng nghĩa với việc báo hiếu, trả nghĩa cha mẹ sinh thành. Thậm chí, nhiều người còn quan niệm, đám tang càng to, càng linh đình thì càng được hàng xóm khen ngợi, càng báo hiếu cha mẹ được nhiều… Cùng với việc chuẩn bị đưa người quá cố ra nơi yên nghỉ cuối cùng cũng là lúc lo chuyện cỗ bàn. Sau đám tang là nỗi lo cúng 35, 49 ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng, xây nhà mới cho người khuất… Chính vì vậy, khi Mặt trận tổ quốc xã triển khai các nội dung của việc tang văn minh, tiến bộ; tổ chức việc tang tiết kiệm, không bày cỗ mời khách; Từng bước và tiến tới loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín không phù hợp với nếp sống văn minh; Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện hỏa táng, hạn chế hung táng người quá cố… đã gặp không ít khó khăn. Với hầu hết người dân nơi đây, hỏa táng là khái niệm khá xa lạ.
Cổng vào xóm Vực, xã Thanh Liệt.
Bà Đặng Thị Thu Hằng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã cho biết: Lường trước những khó khăn trong việc thực hiện tang văn minh, tiến bộ nên chúng tôi đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, vận động bà con. Nội dung này được đưa vào Hội nghị đại biểu nhân dân đã thu hút nhiều ý kiến tham gia sôi nổi, có trách nhiệm. Bên cạnh việc thông tin về lợi ích của tang văn minh, tiến bộ (bảo vệ môi trường, không phải lo nhiều lần), sự hỗ trợ về kinh phí của thành phố, huyện … trên đài truyền thanh thì những nội dung này được quán triệt, phổ biến, lồng ghép trong các cuộc họp của các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố, thôn, làng để vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân làm theo. Đặc biệt, xã đã phát huy vai trò của người cao tuổi trong việc triển khai tang văn minh, tiến bộ. Nhiều cụ đã thông về tư tưởng nên dặn dò con cháu làm theo khi mình qua đời hoặc vận động người cao tuổi khác thực hiện, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh việc tuyên truyền, MTTQ xã đã nhiệt tình hướng dẫn, giúp gia đình người quá cố trong việc lo thủ tục nhận hỗ trợ.UBND xã Thanh Liệt đã giải quyết nhanh nhất các thủ tục cần thiết để gia đình sớm nhận được tiền hỗ trợ (Thành phố hỗ trợ 4 triệu, huyện hỗ trợ 2 triệu/ca hỏa táng). Đây cũng là một động lực để việc tang văn minh, tiến bộ được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Như những cơn mưa dầm thấm lâu, những nội dung tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người dân xã Thanh Liệt từ đó tích cực làm theo cái mới. Tỷ lệ hỏa táng đã không ngừng nâng cao. Năm 2012 đạt 75%; 9 tháng đầu năm 2015 đạt 84,3% (trong đó thôn Văn đạt 100%). Hầu hết các gia đình chấp hành nghiêm việc để thi thể trong nhà không quá 36 giờ, không tổ chức ăn uống linh đình, dài ngày, không sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đó, nhiều hủ tục đã bị xóa bỏ: lăn đường, viếng bằng lễ chín. Việc cúng giỗ được thực hiện trong phạm vi gia đình, hạn chế số lượng khách mời. Nhiều gia đình khi tổ chức giỗ đã không biếu lộc người đến dự.
Những kết quả đáng khích lệ ở Thanh Liệt khẳng định sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Trong thời gian tới, MTTQ xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân về thủ tục để việc tang văn minh, tiến bộ thấm sâu hơn vào từng địa bàn dân cư.