UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6525/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án "Xác định Chỉ số cải cách hành chính áp dụng trong nội bộ thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020".
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc của Tổ công tác xây dựng Chỉ số cải cách hành chính áp dụng trong nội bộ Thành phố
Việc xây dựng Đề án Xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) áp dụng trong nội bộ thành phố Hà Nội nhằm theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của các địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, Nghị quyết của Thành uỷ, HĐND thành phố và kế hoạch của UBND thành phố về đẩy mạnh CCHC nhà nước trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu "Xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, vì dân. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong CCHC nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản pháp quy của thành phố; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các tổ chức, cá nhân khi giao dịch giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng cơ quan hành chính các cấp thực sự trong sạch vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới".
Cải cách hành chính tại phường Kim Mã (Ba Đình) mang lại nhiều thuận lợi cho các tập thể, cá nhân đến giải quyết công việc
Với tinh thần đó, Đề án được xây dựng theo hướng khoa học và hệ thống, có thể đo lường được mức độ thực hiện và khả năng dự báo tiến độ, chất lượng hoàn thành các công việc trong triển khai công tác CCHC của các cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc thành phố tiếp tục nâng cao, phát huy những kết quả đạt được và có giải pháp nhằm khắc phục, cải thiện những nội dung còn yếu kém, tồn tại trong những năm tiếp theo.
Mục tiêu đề án hướng đến là xác định được các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC của các sở, ngành, quận, huyện theo đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của các sở, ngành, quận, huyện. Xác định được thang điểm, phương pháp đánh giá cho các tiêu chí, tiêu chí thành phần, từ đó xác định được Chỉ số CCHC của từng sở, ngành, quận, huyện. Xây dựng được bộ câu hỏi điều tra xã hội học theo từng nhóm đối tượng điều tra, khảo sát. Xác định được các sở, ngành, quận, huyện cần tham gia theo dõi, đánh giá, xác định Chỉ số CCHC. Hàng năm công bố Chỉ số CCHC của các sở, ngành, quận, huyện để kịp thời động viên, khen thưởng và tuyên truyền công tác CCHC; tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
HNP