Nhằm xây dựng các chương trình văn hóa chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2022) và đón Xuân Nhâm Dần 2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với huyện Đan Phượng tổ chức ghi hình chương trình nghệ thuật hát Chèo tàu tại Lăng Văn Sơn xã Tân Hội.
Đây đồng thời cũng sẽ là nguồn tư liệu để giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể hát Chèo tàu xã Tân Hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô. Chương trình được dàn dựng theo quy trình hát Chèo tàu với làn điệu hát trình, bài Tàu, hát bỏ bộ được các nghệ nhân và thành viên Câu lạc bộ Chèo tàu biểu diễn.
Chèo tàu là hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo có một không hai của xã Tân Hội (huyện Đan Phượng). Hơn 3 thế kỷ đã trôi qua kể từ lần đầu tiên Hội Chèo tàu tổng Gối được tổ chức (năm 1683) và sau 76 năm đứt đoạn (từ năm 1922), hội được khôi phục và tổ chức thường niên từ năm 1998 đến nay. Đó cũng là cột mốc đánh dấu sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật Chèo tàu trong các tầng lớp nhân dân xã Tân Hội hôm nay.
Xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) ngày nay thuộc vùng tổng Gối (phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông) xưa. Đây là “cái nôi” của nghệ thuật hát Chèo tàu gắn liền với Lễ hội Chèo tàu tổng Gối độc đáo có từ hơn 300 năm trước. Xưa kia, lễ hội Chèo tàu phải 25 năm mới được tổ chức một lần, kéo dài từ ngày Rằm đến hết ngày 23 tháng Giêng. Ngày nay, hội Chèo tàu tổng Gối được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng hằng năm trên cánh đồng làng Thượng Hội, gần lăng Văn Sơn – nơi chôn cất và thờ tướng Hắc Y Dạ Xoa Văn Dĩ Thành, một người con của tổng Gối có công phò vua Trần Trùng Quang đánh giặc Minh xâm lược trong những năm đầu thế kỷ thứ XV. Sau khi mất, Ngài được người dân tôn là Thành hoàng làng và tổ chức lễ hội Chèo tàu hằng năm để tưởng nhớ công ơn.
Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai “tàu” – là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ được các thôn chuẩn bị sẵn. Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ. Quy trình hát được thực hiện chặt chẽ theo thứ tự: Lễ trình, dâng hương, dâng rượu, bài tàu (hoặc bài tượng), hát bỏ bộ, hát các bài lý, hát ví… Điều đặc biệt là, tất cả các bài hát của nghệ thuật Chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ mà không hề bị pha tạp như nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác hiện nay.
Tâm Nguyễn