Đến nay 100% các thôn, làng, cụm dân cư của huyện đều có Nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng. Gần 100% số làng có quy ước làng văn hóa. Hầu hết các đám cưới, đám tang trên địa bàn huyện đều thực hiện nếp sống văn minh. Năm 2020, tỷ lệ Gia đình Văn hóa là 95%, tỷ lệ Làng Văn hóa đạt 85%…
Là huyện nông nghiệp, xa trung tâm Thủ đô, huyện Phú Xuyên là một trong những điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa. Hơn 20 năm qua, huyện Phú Xuyên luôn quan tâm triển khai các nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH ở địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Huyện Phú Xuyên đã tổ chức hàng trăm buổi học tập, quán triệt các Chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của thành phố và huyện về công tác xây dựng đời sống văn hóa cho hàng trăm nghìn lượt người là đảng viên và cán bộ làm công tác văn hóa – xã hội để thông suốt tư tưởng, nhận thức từ cán bộ, đảng viên đến Nhân dân.
Những điểm sáng
Huyện Phú Xuyên có nhiều điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa. Tiêu biểu như thị trấn Phú Minh, xã Đại Thắng, xã Phú Túc, Vân Từ, Chuyên Mỹ, Quang Trung; các làng Chanh Thôn, Phú Nhiêu, Phú Minh…
Làng Chanh Thôn, xã Nam Tiến được biết đến là một trong những làng Văn hóa tiêu biểu của huyện Phú Xuyên và Hà Nội. Chanh Thôn là nơi còn lưu giữ những làn điệu ca trù cổ với CLB ca trù Chanh Thôn đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là địa chỉ đỏ văn hóa dân gian. Chanh Thôn cũng là làng Văn hóa duy nhất của tỉnh Hà Tây giữ vững danh hiệu làng Văn hóa suốt 20 năm liền và được thành phố Hà Nội tuyên dương khen thưởng trong Hội nghị tổng kết 20 năm Hà Nội xây dựng Làng Văn hóa. Sở dĩ có được thành tích trong nhiều năm liên tục là do địa phương luôn chú trọng đến văn hóa, coi văn hóa là động lực then chốt để phát triển kinh tế – xã hội.
Làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung còn lưu giữ nghệ thuật truyền thống Hò cửa đình – Múa hát Bài bông và cũng là địa chỉ đỏ văn hóa do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận. Yêu quý và trân trọng vốn văn hóa truyền thống do cha ông để lại, các thế hệ người làng Phú Nhiêu đã xây dựng làng trở thành Làng Văn hóa kiểu mẫu, đi đầu trong nhiều phong trào của địa phương. Tỷ lệ Gia đình Văn hóa luôn trên 90%. Các thiết chế văn hóa và cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, khiến cho bộ mặt nông thôn nơi đây luôn sáng, xanh, sạch, đẹp.
Hạ tầng nông thôn được huyện Phú Xuyên đầu tư
Xã Đại Thắng – một trong những xã điểm xây dựng NTM của Phú Xuyên và thành phố Hà Nội lại luôn gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng NTM gắn với giữ gìn những phong tục tập quán, là việc tôn tạo, giữ gìn những giá trị vật thể đã được Nhà nước xếp hạng như chùa Rối, đình Phú Đôi, các lễ hội trên địa bàn. Đại Thắng cũng là xã đi đầu của huyện Phú Xuyên trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang. Xã còn có phong trào văn nghệ, thể thao sôi nổi, các CLB hoạt động hiệu quả, nhất là việc duy trì và phát triển thư viện với phong trào đọc sách, báo trong Nhân dân.
Những thành công
Theo lãnh đạo Phòng VHTT huyện Phú Xuyên, đến nay 100% các thôn, làng, cụm dân cư của huyện đều có Nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng. Gần 100% số làng có quy ước làng văn hóa. Hầu hết các đám cưới, đám tang trên địa bàn huyện đều thực hiện nếp sống văn minh. Với các di tích và di sản văn hóa phi vật thể, hàng năm, huyện Phú Xuyên đều cấp kinh phí đầu tư tu bổ. Năm 2020, tỷ lệ Gia đình Văn hóa là 95%; Tỷ lệ Làng Văn hóa đạt 85%. Nhiều xã 100% số làng đều đạt Làng Văn hóa như xã Quang Trung, xã Đại Thắng, xã Nam Tiến…thị trấn Phú Minh 5/5 TDP đều đạt TDP Văn hóa. Nhiều năm qua, các chỉ tiêu Gia đình văn hóa, Làng Văn hóa của huyện Phú Xuyên đều vượt mức so với Thành phố giao.
Các di sản văn hóa luôn được huyện Phú Xuyên giữ gìn
Sau hơn 20 năm xây dựng đời sống văn hóa, đời sống của người dân Phú Xuyên tăng lên rõ rệt với trên 90% số hộ có kinh tế ổn định. Thu nhập bình quân đầu người của Phú Xuyên năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm. 100% đường làng, ngõ, xóm được bê tông sạch sẽ, 100% nhà ở của Nhân dân đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh v.v.
Thanh Quy