Sau khi Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô hưởng ứng, tạo sự chuyển biến bước đầu trong thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người Thủ đô, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, phát triển.
Sau khi Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô hưởng ứng, tạo sự chuyển biến bước đầu trong thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người Thủ đô, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, phát triển.
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa thực sự rõ rệt, chưa tạo được thay đổi lớn trong xã hội. Do vậy, để đạt được hiệu quả cao, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần gắn với những mục tiêu phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù riêng của Hà Nội.
Thăng Long – Hà Nội là một trong những Thủ đô cổ của vùng Đông Nam Á, lại là thành phố duy nhất hầu như liên tục trong một ngàn năm qua đã giữ vững vị trí là đầu mối chính trị, là trung tâm kinh tế và văn hóa của cả nước. Với vị thế đó, từ lâu Thăng Long – Hà Nội đã thu hút người từ mọi miền đất nước về đây sinh sống và lập nghiệp. Sự tập hợp ngày càng đông cư dân từ mọi miền đất nước đã biến Thăng Long – Hà Nội thành nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước. Cùng với đó việc mở rộng địa giới hành chính cộng hưởng với quá trình đô thị hóa nhanh cũng là một trong những nguyên nhân khó khăn trong quá trình thực hiện việc triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Từ điều kiện thực tiễn rút ra, trong quá trình thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần gắn liền với thực hiện các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Làng Văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, phong trào “Người tốt việc tốt”, thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”… bằng những tiêu chí cụ thể để tạo được động lực thi đua xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến từng người dân, gia đình, tổ dân phố.
Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện, thể hiện qua công tác xây dựng các mô hình văn hóa: “Làng văn hóa” được xác định là tiêu chí quan trọng để xây dựng Nông thôn mới; Công tác xây dựng mô hình “Tổ dân phố văn hóa” tiếp tục thể hiện được tính ưu việt, phù hợp với đặc điểm, tình hình và tính chất địa bàn dân cư ở khu vực nội thành và các thị xã, thị trấn. Tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đến từng khu dân cư trên địa bàn Thành phố. Cùng với đó, Thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến nay, các cơ quan, đơn vị và các địa phương hầu hết đã triển khai các Quy tắc, bước đầu có hiệu ứng tốt.
Công tác chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã được tăng cường về nhiều mặt. Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ Thành phố hằng năm tổ chức xét chọn và biểu dương cá nhân Người tốt việc tốt; cá nhân vinh dự được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú… Đây là phong trào sâu rộng được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng, khơi dậy niềm tự hào của Thủ đô; thông qua hình thức nêu gương, học tập gương người tốt việc tốt đã góp phần xây dựng một thế hệ những con người mới có đủ đức, đủ tài và luôn phấn đấu hết mình vì Tổ quốc vì nhân dân. Các địa phương, đơn vị thuộc Thành phố đều đã tiến hành xây dựng, bổ sung điểm mới các quy định, nội quy, quy ước, hương ước… nhằm thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh gắn với thực tiến ở mỗi cơ quan, đơn vị cho phù hợp.
Để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thấm và ngấm trong mỗi người, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nội dung các Quy tắc ứng xử.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung của xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo đảm cho 100% người dân sống trên địa bàn đều có cơ hội học tập và tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ. Phát động toàn dân, với tấm lòng yêu Thủ đô, vì Thủ đô tham gia thực hiện cuộc vận động ngay tại địa phương mình, cơ quan, đơn vị mình và tham gia giám sát chặt chẽ việc thực hiện 2 Quy tắc.
Tiếp tục chấn chỉnh lề lối làm việc, đạo đức tác phong, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là công chức thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc, thủ tục hành chính với người dân như bộ phận một cửa, tiếp dân.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể các cấp phải vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện; kiểm tra xử lý nghiêm những vi phạm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm Quy tắc ứng xử. Có những hình thức khen thưởng phù hợp cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói chung, thực hiện Quy tắc ứng xử nói riêng.
Hoài Anh
Theo MaskOnline