Tiêu điểm Hà Nội

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, sáng 21/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá Chương trình 04-CTr/TU đã giúp nông nghiệp, nông thôn Thủ đô ngày càng đi vào chiều sâu; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực; nông sản phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng các đại biểu thăm gian trưng bày sản phẩm OCOP Hà Nội

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Hà Nội hiện đang dẫn đầu về số lượng hợp tác xã. Những làng nghề truyền thống đa dạng bản sắc ngày càng phát triển, không chỉ giúp cải thiện đời sống cho người dân mà còn gìn giữ văn hoá. Nông thôn Thủ đô đã và đang khơi gợi sức sống mới, năng động và ngày một văn minh hơn…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng dư địa của phát triển nông nghiệp Hà Nội vẫn còn rất lớn, và Thành phố cần khai quật tiềm năng riêng có của mình trên cơ sở đổi mới tư duy. Đặc biệt, nông nghiệp nếu được tổ chức hài hoà trong đô thị sẽ giúp tối ưu hoá chi phí vận chuyển; tăng khả năng cung cấp tại chỗ, giảm chi phí và góp phần bảo đảm tiêu dùng tại chỗ. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng hành cùng Hà Nội kiến tạo những không gian phát triển mới mẻ hơn cho nông nghiệp, nông thôn…”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định.
Đối với mục tiêu của Chương trình số 04 giai đoạn 2023 – 2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hà Nội cần kích hoạt đời sống cộng đồng nông thôn, nhưng không tạo xung đột giữa hiện đại và bản sắc; nâng cao năng lực cộng đồng, dần hình thành đội ngũ nông dân mới; tạo không gian rộng mở phục vụ sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý Hà Nội cũng có thể tính đến hình thành các cụm liên kết ngành nông – công nghiệp hài hoà đầu vào – đầu ra; các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp và chuỗi ngành hàng. Thúc đẩy phát triển các mô hình “bất động sản nông nghiệp”, để vừa ở vừa sản xuất nông nghiệp quy mô gia đình, là nơi cung cấp thực phẩm và thư giãn cuối tuần để có thể trải nghiệm… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thí điểm cơ chế đặc thù về mô hình “sàn cho thuê đất nông nghiệp”, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, Hà Nội có thể liên kết các hợp tác xã, thí điểm hợp nhất để tạo ra những hợp tác xã có quy mô lớn hơn; hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Nếu có các liên hiệp hợp tác xã mạnh, Hà Nội có thể tạo ra hình thái mới cho phát triển nông nghiệp…
Hà Nội phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025
Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ Thành phố đã triển khai các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản, nhưng có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo, do tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraina.
Song với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm, sáng tạo và đổi mới, quyết tâm chính trị cao, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp của Thành phố; thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận Hội nghị
Kinh tế Thủ đô phục hồi và phát triển nhanh, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát. GRDP phục hồi và tăng trưởng mạnh, năm sau tăng hơn năm trước và tăng hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. GRDP năm 2021 tăng 2,92%, (cả nước tăng 2,58%); GRDP năm 2022 tăng 8,89%, (cả nước tăng 8,02%), với quy mô GRDP của Hà Nội khoảng 1.200 nghìn tỷ đồng (tương ứng 50 tỷ USD). GRDP bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng, tăng 10,6% so với năm 2021. Trong quý I/2023, GRDP của Hà Nội tăng 5,08%, (cả nước tăng 3,32%); thu ngân sách đạt 39,3 % dự toán năm…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, góp phần hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố nửa đầu nhiệm kỳ, đó là việc triển khai thực hiện bài bản, tích cực 10 Chương trình công tác lớn toàn khóa, trong đó có Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.
Đến nay, đã có 23/33 chỉ tiêu của Chương trình 04-CTr/TU được thực hiện vượt kế hoạch và hoàn thành kế hoạch. Bộ mặt nhiều vùng nông thôn Hà Nội khang trang, sáng, xanh, sạch đẹp, cảnh quan môi trường nông thôn được quan tâm, gìn giữ. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư. Nếp sống văn minh được củng cố và từng bước hoàn thiện, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú từ vùng nội đô tới vùng ven đô, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU. Điển hình là sản xuất nông nghiệp còn tình trạng manh mún, phân tán, chưa bền vững; sự phát triển của kết cấu hạ tầng gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại các địa phương có khoảng cách chênh lệch khá cao; thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp và bấp bênh; môi trường sống tại một số vùng nông thôn còn ô nhiễm; văn hóa nông thôn và một số giá trị truyền thống có nguy cơ mai một…
Thành ủy Hà Nội luôn xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, Thành phố phấn đấu, đến năm 2025, sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Để thực hiện được mục tiêu đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo từ Thành phố đến cơ sở cùng các ban ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể cần tiếp tục rà soát, bám sát các định hướng, mục tiêu, Nghị quyết của Trung ương và Thành phố; đặc biệt là Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
“Tập trung xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc cao đẹp” Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU nhấn mạnh.
Đồng chí cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.
Trong giai đoạn 2023 – 2025, Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển các mô hình thôn xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố về lâu dài. Đồng thời, bảo tồn được hồn cốt văn hóa nông thôn của Thủ đô, cũng như hình thành các vành đai xanh sinh thái, bao bọc cho vùng trung tâm Thủ đô.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo, để chỉ đạo phổ biến nhân rộng; đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế, khuyết điểm để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ…

 

Thu Hằng

Theo HNP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *