Sáng 11/9, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới gắn với xây dựng chuẩn mực, tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Dự và chủ trì Hội nghị, về phía đại biểu Trung ương có Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng; PGS.TS Phạm Duy Đức – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); PGS.TSKH Lương Đình Hải – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Đại biểu Thành phố có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh.
Đại biểu quận, huyện, thị xã có Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh; Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng; cùng lãnh đạo và chuyên viên Ban Tuyên giáo Thành ủy, phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã; các chuyên gia; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.
Xây dựng chuẩn mực, tiêu chí người Hà Nội nhằm đẩy mạnh sự phát triển bền vững
Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh khẳng định: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại, đồng thời khẳng định tính đại diện của Thủ đô đối với cả nước… ủy đã tổ chức 02 Hội nghị tọa đàm khoa học với chủ đề: Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thực trạng và giải pháp”; Kết quả của Hội nghị đã là cơ sở, căn cứ quan trọng để Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30 ngày 19/02/2023 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; trong đó xác định xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, tiến hành thường xuyên. Tiêu chí xây dựng người Hà Nội phù hợp với bối cảnh mới với phương trâm cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Việc xây dựng các chuẩn mực và tiêu chí người Hà Nội không chỉ nhằm nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân mà còn góp phần gia tăng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận xã hội và phát triển bền vững.
Hội nghị tập trung thảo luận 2 vấn đề trọng tâm: Thứ nhất: Xác định hệ giá trị đặc trưng của con người Hà Nội: Làm rõ các phẩm chất cốt lõi như hào hoa, thanh lịch, thân thiện, hòa bình, văn minh, sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh yếu tố đại diện cho vị thế Thủ đô. Thứ hai: Lượng hóa các chuẩn mực của người Hà Nội thành tiêu chí cụ thể là một bước quan trọng để có thể đánh giá, đo lường và phát triển các giá trị văn hóa đặc trưng này.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng cũng cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa là nguồn sức mạnh mềm mà các nước trên thế giới đều tập trung phát triển. Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia, một trong tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và quan hệ quốc tế. Thủ đô Hà Nội với bề dày hàng nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa. Đây là một ưu thế của Thủ đô Hà Nội. “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình dân tộc thì Thủ đô Hà Nội cũng là một địa phương đi đầu trong việc triển khai này. Và chúng ta thấy rằng, Hà Nội ngày càng phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa con người trong việc tạo thành nguồn lực nội sinh để phát triển Thủ đô. Hà Nội coi văn hóa là nguồn lực, động lực, là sức mạnh nội sinh để phát triển Thủ đô”.
Hà Nội là địa phương đi đầu, quan tâm đến phát triển văn hóa, nhiều năm nay Thành phố đã ban hành các Nghị quyết về phát triển văn hóa mà gần nhất là Chương trình 06-CTr/TU, Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa, Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây là những căn cứ để xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh… “Chúng ta xác định, Hà Nội sẽ trở thành một thành phố thông minh, thành phố sang tạo, thành phố phát triển thì chúng ta cần phải coi trọng vấn đề phát triển văn hóa. Với số lượng di tích, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội rất lớn, cùng với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đứng đầu cả nước… là nguồn tài sản rất quý của phát triển văn hóa. Và để văn hóa Hà Nội đi đầu, gương mẫu thì chung ta phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Và muốn xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thì phải có tiêu chí và tiêu chí cần phù hợp với tình hình mới hiện nay” – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng nhận định.
Hoàn thiện các tiêu chí xây dựng chuẩn mực Người Hà Nội phù hợp với tình hình mới
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, thị xã Sơn Tây là 1 trong 7 đơn vị nằm ở phía Tây của Thủ đô Hà Nội, thường gọi là vùng đất xứ Đoài. Lịch sử văn hóa của vùng đất xứ Đoài có những nét rất đặc biệt, từ thổ nhưỡng về thiên nhiên, khí hậu, vị trí địa lý… đã tạo nên một vùng văn hóa xứ Đoài mà trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố trong 3 nhiệm kỳ vừa qua đều nhấn mạnh phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài để hòa nhập cũng như hình thành và xây dựng, củng cố thêm cho văn hóa Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi xác định, đây là một kim chỉ nam để xây dựng và phát triển thị xã Sơn Tây. Trong tình hình hiện nay, việc tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, gia đình cần có những chương trình, kế hoạch vừa mang tính chiến lược, vừa cụ thể. Hà Nội đã xây dựng được bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, nơi công cộng, ở thôn, tổ dân phố xây dựng các hương ước, quy ước… là những điều rất cần thiết trong đời sống hàng ngày. Và việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng chuẩn mực Người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế thực sự cần thiết. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần lưu ý đến yếu tố địa phương, cần thận trọng để phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục, tập quán mỗi địa phương.
Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hoàn Kiếm Trần Thị Thúy Lan cho hay: Việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh được Quận Hoàn Kiếm coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Điều này đã được cụ thể hóa trong nhiều phong trào được đề ra, như xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”…; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Quận ủy Hoàn Kiếm đã ban hành Đề án số 21- ĐA/QU về “tiếp tục xây dựng, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, giai đoạn 2021-2025”. Thông qua triển khai các giải pháp, bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan với nhiều mô hình, sáng kiến hay, góp phần đưa các nội dung chương trình từng bước đi vào cuộc sống, thiết thực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội trên địa bàn Quận.
“Để tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm duy trì, phát huy những giá trị sẵn có và xây dựng một hệ giá trị gia đình bền vững tập trung tuyên truyền để người dân trên địa bàn quận nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong việc triển khai các chính sách kinh tế – xã hội. Các chính sách kinh tế – xã hội cần phải tính tới những tác động đối với đời sống gia đình. Xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hoá các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Thủ đô tiến bộ” – bà Trần Thị Thúy Lan cho biết thêm.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng chia sẻ: “Hà Nội cần nhận thức rõ vai trò đặc biệt của Thủ đô, từ đó xác định và truyền tải giá trị văn hóa cốt lõi đến toàn xã hội. Đặc biệt, phải nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa đặc thù của từng quận huyện trong thành phố, nhằm bảo tồn và phát triển những nét văn hóa đặc sắc của các vùng”.
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục về các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu thực hiện tốt, các giá trị văn hóa này sẽ được bảo tồn và phát triển bền vững theo thời gian; từ đó, góp phần xây dựng một nền văn hóa vững mạnh cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung.
Hội nghị đã lắng nghe và đóng góp ý kiến trong việc xây dựng Chuẩn mực Người Hà Nội “Hào hoa – Thanh lịch – Nghĩa tình – Văn minh” trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế với những tiêu chí vụ thể nhằm chuyển hóa các chuẩn mực thành những chỉ số đo lường cụ thể, hỗ trợ công tác giám sát, đánh giá và triển khai các giá trị văn hóa của người Hà Nội trong bối cảnh mới, khẳng định vị thế đặc biệt của Thủ đô trong việc vừa giữ gìn truyền thống, vừa tiên phong trong hội nhập và phát triển. Hay nhấn mạnh vai trò đại diện của Thủ đô qua các hành động, giá trị và tinh thần của con người Hà Nội, đồng thời đặt họ vào vị trí dẫn dắt trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Để tiếp tục bàn rõ về vấn đề này, Hội nghị tọa đàm Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới gắn với xây dựng chuẩn mực, tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh sẽ có phiên làm việc thứ 2 lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Tô Nga