Văn hóa

Xây dựng văn hóa ứng xử tại các khu chung cư mới: Khoảng trống còn bỏ ngỏ

Đã 30 năm, Hà Nội hình thành các khu chung cư, bắt đầu từ khu đô thị Linh Đàm nhưng chưa nhận diện được văn hóa ở chung cư. Sống trong cao ốc cao tầng và vẫn giữ thói quen dắt xe máy, xe đạp lên căn hộ, giúp việc trở thành kênh truyền thông […]

Đã 30 năm, Hà Nội hình thành các khu chung cư, bắt đầu từ khu đô thị Linh Đàm nhưng chưa nhận diện được văn hóa ở chung cư. Sống trong cao ốc cao tầng và vẫn giữ thói quen dắt xe máy, xe đạp lên căn hộ, giúp việc trở thành kênh truyền thông quan trọng của toàn dân cư…

Đặc biệt, những mâu thuẫn từ chủ đầu tư với dân cư, chủ đầu tư với ban quản trị (BQT) và cả những lợi ích nhóm của BQT đã đẩy nhiều mặt trái của văn hóa chung cư lên cao trào.
Với mong muốn tìm giải pháp xây dựng văn hóa khu chung cư, sáng 14/12 báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội”, để các khách mời tham gia góp ý xây dựng đời sống văn minh, hiện đại trong các khu chung cư nói riêng, xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch nói chung.
Mang văn hóa làng, xã lên chung cư
Ông Trần Thanh Phúc – Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, thành viên BQT tòa nhà chung cư số 6 khu đô thị Dream Town (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) kể những câu chuyện “cười ra nước mắt” ở khu chung cư mình: Hơn 700 căn hộ của 3 tòa nhà, với gần 3.000 nhân khẩu là bức tranh tổng hợp của mọi thành phần ở các làng quê lên khu đô thị. Hành lang vốn là lối đi chung của cả tầng bị độc chiếm để dép, bày biện đồ dùng gia đình hoặc để trẻ con đá bóng. Thế nên, đôi khi ông bà già các hộ to tiếng với nhau chỉ vì cháu nhỏ đá bóng gây ồn. Còn ở khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), nhiều cư dân ngang nhiên đẩy xe máy lên căn hộ để đỡ tốn tiền dịch vụ. Ở một khu đô thị khác thì thang máy trở thành địa chỉ dụ cháu ăn cháo của các bà giúp việc.

Lý giải cho những câu chuyện nực cười của văn hóa chung cư, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng T.Ư Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Từ trước đến nay, người Việt Nam chỉ có văn hóa “nằm ngang” chưa có văn hóa theo chiều dọc, theo chiều thẳng đứng, theo phong cách chung cư, thang máy. Nghĩa là người dân mang thói quen sống ở mặt đất, ở làng, xã lên chung cư. “Nhà ở chung cư như là một “cỗ máy” để ở, đòi hỏi cư dân sống trong đó phải sử dụng trang thiết bị kỹ thuật thành thạo” – KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.
Có một thời kỳ, truyền thông biểu dương tình làng nghĩa xóm từ sự việc giết lợn, nấu cỗ ăn ở hành lang tòa nhà chung cư. Nhưng theo KTS Phạm Thanh Tùng ở các khu đô thị, văn hóa lãng xã đó không thật sự phù hợp. Lối sống nông thôn từ hàng ngàn năm với nếp sống, thói quen, cách ứng xử phù hợp với hương ước của làng, với quy định của cộng đồng làng xã, tự do đến mức tùy tiện nhưng đầy tính nhân bản. Khi chuyển sang sống trong các khu đô thị mới, các tòa chung cư thì văn hóa làng ấy đã không còn bền vững. Đó là một thách thức cho các nhà quản trị đô thị và cho mỗi cư dân sống trong các khu đô thị mới, các tòa chung cư.
Nhiều chính sách nhưng vẫn còn kẽ hở
Có mặt tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng phòng Quản lý Nhà và Bất động sản (Sở Xây dựng) Trần Ngọc Minh cho rằng: Các văn bản của pháp luật về quản lý và sử dụng nhà chung cư rất chặt chẽ. Từ Luật Nhà ở năm 2005, các thông tư sau Luật, rồi đến các quyết định, quy định của TP trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội. Thế nhưng, theo KTS Phạm Thanh Tùng, lắm chính sách nhưng vẫn “hở”. Cụ thể là ở tổ dân phố 39, 40 và 41 thuộc khu đô thị Yên Hòa, người dân mất 8 năm kéo dài các cuộc kiện tụng để đòi được những khoảng đất chung được chủ đầu tư xây dựng làm sân tennis và nhà hàng cho thuê thành công viên, vườn hoa và khu sinh hoạt cộng đồng cho khu dân cư.
Chủ đầu tư luôn tư lợi, cố tình chây ì bàn giao quỹ bảo trì và thành lập ban quản lý, Ban quản trị (BQT) tòa nhà. Cho dù, ông Trần Ngọc Minh biện dẫn đủ quy định của Luật nhưng bức xúc vẫn nối dài giữa chủ đầu tư với BQT, đặc biệt thu chi không minh bạch ở các khu chung cư vẫn luôn “nóng”. “Khu chung cư Golden Land building (275 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân) có 3 tòa với hơn 700 căn hộ. Khu chung cư đã tổ chức thành công hội nghị chung cư năm 2016 và thành lập được BQT. Tuy nhiên, BQT này không minh bạch trong các hoạt động thu chi tài chính, đầu thầu các đơn vị vận hành quản lý chung cư, xảy ra nhiều vấn đề khiến cư dân bức xúc. Khả năng tương tác giữa BQT với cư dân cũng có vấn đề khi không có những giải đáp thỏa đáng của BQT với người dân khi xảy ra vụ việc” – Trưởng BQT chung cư Golden Land building Trần Anh Tuấn chia sẻ. Sau những lần đấu tranh gay gắt, giữa năm 2018, cư dân khu đô thị Golden Land building đã đứng ra tổ chức bầu lại BQT cho khu chung cư. Và trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hơn 100 khu chung cư còn tồn tại cũng vấn đề nổi cộm như Golden Land building.
Đánh thức sự xấu hổ
Theo Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà, mâu thuẫn giữa các bên là ngọn nguồn cho những ứng xử thiếu văn hóa, văn minh tại các khu chung cư. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, trong khi chúng ta đã có hương ước làng xã, thì cũng nên có những quy định chung hay còn gọi là bộ quy tắc ứng xử trong các khu chung cư để từ đó nắn chỉnh môi trường văn hóa theo chiều hướng văn minh. “Theo tôi, các khu chung cư mới được xây dựng có cơ sở vật chất khá tốt, rộng rãi nên rất dễ tạo ra nếp sống văn hóa mới trong khu dân cư. Tuy hiện nay còn nhiều vấn đề vướng mắc nhưng việc xây dựng văn hóa ứng xử khu đô thị không phải không làm được” – KTS Phạm Thanh Tùng cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, 1 địa bàn có 22 tòa nhà chung cư thì ngay sau khi TP ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng, chính quyền đã triển khai tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Tuyên truyền tích cực, nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao ứng xử văn hóa chung cư vẫn đầy rẫy những bất cập. GS Đặng Hùng Võ cho rằng, các nước đều chấm điểm việc người dân tham gia hoạt động cộng đồng, cụ thể là qua từng vụ việc, khuôn mẫu cụ thể. Với cách thức này, Việt Nam có thể chấm điểm với chủ đầu tư dự án, chấm điểm từng hộ dân để xem uy tín của chủ đầu tư và bậc thang văn hóa của dân cư ở mức cao hay thấp. Nếu bị chấm điểm thấp thì hộ gia đình đó sẽ cảm thấy rất xấu hổ và phải cải thiện cung cách ứng xử. Đây là việc rất cần thiết và là thông lệ quốc tế.
Trong những năm vừa qua, Hà Nội liên tiếp ban hành các chương trình về ứng xử, văn hóa, văn minh thanh lịch đô thị cũng như ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử, tuy nhiên vẫn xảy ra những tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, BQT tòa nhà và cư dân dẫn đến có các diễn đàn, mạng xã hội nói xấu về khu chung cư… Cuộc sống càng phát triển hơn thì ứng xử với nhau dường không được như trước đây, có phần đi xuống… Chính vì vậy, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà mong rằng, với việc xới lên một vấn đề đang “nóng” của ứng xử văn hóa đô thị hiện đại, cuộc tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” sẽ giúp các nhà quản lý văn hóa, chính quyền địa phương hướng đến những cách thức tuyên truyền cụ thể, mang tính đặc thù hơn cho việc hình thành văn hóa ứng xử văn minh ở chung cư.
Theo Kinh tế & Đô thị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *