Việc lạm dụng rượu bia hoặc uống một cách thái quá, thiếu văn hóa đang là một nét xấu trong bộ phận người Việt, tạo nên những ảnh hưởng, dư luận tiêu cực đối với sản phẩm vốn không đáng bị lên án này. Do đó, uống có trách nhiệm và những giải pháp, công […]
Việc lạm dụng rượu bia hoặc uống một cách thái quá, thiếu văn hóa đang là một nét xấu trong bộ phận người Việt, tạo nên những ảnh hưởng, dư luận tiêu cực đối với sản phẩm vốn không đáng bị lên án này. Do đó, uống có trách nhiệm và những giải pháp, công cụ thực thi văn hóa uống lành mạnh, văn minh đang là yêu cầu bức thiết.
Sáng 19/12, Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) phối hợp với Viện Văn hóa kinh doanh tổ chức Hội thảo “Xây dựng văn hóa uống lành mạnh, văn minh”.
Chủ tịch VARD Nguyễn Tiến Vị cho biết: Đồ uống có cồn là sản phẩm không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, tiệc, hội, cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Uống rượu, bia đã trở thành một nét văn hóa riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia hoặc uống một cách thái quá, thiếu văn hóa đang là một nét xấu trong bộ phận người Việt, tạo nên những ảnh hưởng, dư luận tiêu cực đối với sản phẩm vốn không đáng bị lên án này.
Hội thảo nhằm tìm ra gốc rễ vấn đề nhức nhối do lạm dụng đồ uống có cồn, hay hiện tượng lệch chuẩn trong hành vi sử dụng đồ uống có cồn. Từ đó góp phần giáo dục, truyền thông về uống có trách nhiệm và đưa ra những giải pháp, công cụ thực thi văn hóa uống lành mạnh, văn minh.
Tại Hội thảo, nhiều nội dung được đưa ra trao đổi, thảo luận: Những thách thức từ văn hóa uống là gì; làm thế nào xây dựng văn hóa uống rượu lành mạnh, văn minh từ góc độ người sử dụng; truyền thông nâng cao nhận thức; xây dựng phong trào vận động văn hóa uống; xây dựng thói quen sử dụng rượu bia lành mạnh…
Nhiều ý kiến cho rằng, không thể đổ lỗi cho rượu, bia, mà cần nhận thức đúng về văn hóa uống và mời uống. Rượu vốn là thứ uống mỹ vị, vì vậy việc uống cũng cần đúng và đẹp, đó là văn hóa, không nên thái quá và lạm dụng quá sẽ tạo thành một nét xấu trong văn hóa. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp thường xuyên phải tiếp các đối tác nhưng nếu biết cách sử dụng đúng chừng mực thì sẽ phát huy tác dụng.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, hiện tượng phản văn hóa, lệch chuẩn văn hóa uống hiện nay, trước hết biểu hiện ở việc người uống không hiểu biết, không quan tâm đến các nguyên tắc, chuẩn mực văn hóa uống. Phần lớn người uống hoặc là theo thói tục, tập tục xã hội sinh ra; Họ không được dạy bảo, hướng dẫn về nguyên tắc, chuẩn mực và quy cách uống từ trong nhà trường, gia đình và xã hội một cách nghiêm túc, tự giác và cụ thể.
Theo Kinh tế & Đô thị