Đền Măng Sơn được coi là Nam Cung điện, trong số Ngũ cung ở quanh khu vực Ba Vì, tương truyền đền được xây dựng từ thế kỷ XVI, trùng tu lại vào thế kỷ XVIII. Đền Măng Sơn thờ Tản Viên Sơn Thánh – vị thần đứng đầu trong hàng “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam – người đã có công trị thủy, bảo vệ mùa màng để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội truyền thống của đền nhằm tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tản Viên, được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm.
Đền Măng Sơn được coi là Nam Cung điện, trong số Ngũ cung ở quanh khu vực Ba Vì, tương truyền đền được xây dựng từ thế kỷ XVI, trùng tu lại vào thế kỷ XVIII. Đền Măng Sơn thờ Tản Viên Sơn Thánh – vị thần đứng đầu trong hàng “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam – người đã có công trị thủy, bảo vệ mùa màng để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội truyền thống của đền nhằm tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tản Viên, được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm. Xưa kia lễ hội có sự tham gia của 5 xã thuộc tổng Phúc Thọ. Trong mâm hoa quả dâng cúng Thánh không thể thiếu mít xanh hay còn gọi là mít chiêm Sơn Đông, còn trong mâm cỗ mặn không thiếu món thịt thú rừng lễ Thánh. Vào ngày hội, 5 tổng xưa gồm các xã của 3 huyện ngày nay: Sơn Đông, Sơn Trung (thị xã Sơn Tây), Tường Phiêu, Trạch Lôi (Phúc Thọ), Thuần Mỹ (Ba Vì) cử các đại diện mang lễ về tụ tập ở Đình Sơn Trung. Hình dáng lễ vật là một hộp quả hình lục lăng chồng 8 tầng do 4 người khiêng. Trai đinh các xã về đông đủ ở đình được Ban tổ chức cắt cử rước 3 cỗ kiệu trong đặt long ngai bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản lên Đền Măng Sơn, cứ 8 người đóng 1 kiệu, đi bên ngoài là 1 người cầm lọng, 1 người cầm cờ múa dẫn đường, 1 người đánh trống khẩu dẹp đám, thành 1 cỗ…
Tương truyền: Lễ hội là dịp để diễn lại sự tích Đức Thánh Tản đi săn, diệt được thú, nghỉ đêm ở bãi Thày, dân các xã mang rượu tới ca hát, vui chơi mừng thắng lợi.
Đền Măng Sơn hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như: 01 tấm bia đá bốn mặt “Măng Sơn tự bi ký“, kích thước khá lớn, tạo tác năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746), đôi nghê gỗ đứng trên một cột trụ vuông mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17, một số di vật như sắc phong, ngai, bài vị, bát hương, hoành phi với niên đại từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20…
Hai ngôi đình Sơn Đông và đình Sơn Trung có lẽ cũng được xây dựng cùng thời với đền Măng Sơn để tạo nên một cụm công trình tín ngưỡng chung của địa phương. Sau nhiều lần tu sửa, hai ngôi đình mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Hiện các bộ vì ở Đại bái còn giữ được kết cấu kiến trúc và các hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật nửa đầu thế kỷ 20…
Lễ hội đền Măng Sơn
Với những giá trị văn hóa và tâm linh như vậy, ngày 15/04/2022 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 891/QĐ- BVHTTDL về việc xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đối với cụm di tích đền Măng Sơn, đình Sơn Trung và đình Sơn Đông – xã Sơn Đông- thị xã Sơn Tây- thành phố Hà Nội.
Di tích Quốc gia Đền Măng Sơn
Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Nghiêm cấm mọi hoạt động liên quan tới việc xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã được khoanh vùng.
Việc cụm di tích đền Măng Sơn, đình Sơn Trung và đình Sơn Đông được xếp hạng cấp quốc gia sẽ tạo cơ sở pháp lý để chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Như vậy đến nay, toàn thị xãSơn Tây đã có 80/ 244 di tích đã được xếp hạng. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích được hiệu quả hơn, thời gian tới thị xã Sơn Tây tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị của các di sản văn hóa đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Thị xã sẽ ưu tiên tu bổ các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng; khuyến khích sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân theo đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa. Song song với đó, Sơn Tây sẽ tăng cường công tác kiểm tra, quản lý di tích gắn chặt với trách nhiệm và cuộc sống của người dân…
Thanh Thanh