“… Tôi luôn tâm đắc với mấy chữ không phải cầu danh, cầu lợi, mà là để nhắc nhở, răn dạy mình sống và làm theo.” (trích sách “Xin chữ” – tác giả TS. Phạm Quang Nghị)
Cầm trên tay cuốn sách có cái tên khá lạ “Xin chữ”, tôi cảm thấy rất tò mò và cùng với cái cảm giác ấy tôi cũng muốn “khám phá” những câu chuyện, những ngôn từ được ẩn chứa đằng sau những bài viết. “Xin chữ” – cái tựa đề khá lạ ấy là cuốn sách mới nhất của Ủy viên Bộ Chính trị khóa X và XI, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIV-XV và nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thông tin Phạm Quang Nghị.
Cuốn sách dày hơn 500 trang là tập hợp những bài viết của ông trong suốt những năm tháng gắn bó với ngành văn hóa kể từ khi ông làm Phó trưởng Ban thường trực Ban tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đến khi làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa- thông tin; rồi là Bí thư Thành ủy Hà Nội và kể cả sau này khi ông được nhà nước cho nghỉ hưu.
Nói như tự bạch của tác giả thì, những bài viết trong tập sách “Xin chữ” chính là những gì ông đã trải nghiệm, đã gắn bó. Không những là công việc của ông mà nó còn là cuộc sống mà ông đã nhìn thấy, nghe thấy thậm chí là những “va đập” không thể quên trong quá trình gần nửa thế kỷ công tác của mình. Đọng lại sau khi đọc hết trang cuối cùng của cuốn sách và khi ta khép lại những dòng ngôn từ vừa sâu lắng; vừa đa tầng cũng là lúc ta cảm nhận rõ nhất một thứ tình cảm trân quý, biết ơn mà tác giả dành tặng cho văn hóa dân tộc; dành tặng cho cuộc sống quanh ông. “Trên cánh đồng thân quen đã có biết bao người cày xới, gieo trồng, gặt hái. Công sức, mồ hôi của những người đi trước đã từng đổ ra cho những mùa vàng đã qua. Tôi xin được tham gia lao động cùng mọi người, bổ những nhát cuốc, gieo đôi ba hạt trên thửa ruộng giữa một cánh đồng bát ngát, mênh mông” – Một lời tự bạch khiêm tốn, giản dị như chính phong cách và tác phong của ông.
Cuốn sách được tác giả khéo léo chia thành 5 phần, tưởng như độc lập với nhau; nhưng thực ra nó lại là một sự bổ trợ hoàn hảo cho nhau. Đi từ những khảo cứu, những chiêm nghiệm của quá trình hoạt động phong phú, trải qua nhiều vai trò khác nhau, những bài viết ở phần thứ nhất của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội lại cho thấy rất rõ cái nhìn của một nhà văn hóa; của một người từng xuất phát từ khoa sử ĐH Tổng hợp Hà Nội. Vì thế mà, những nghiên cứu của ông về giá trị của Chân – Thiện – Mỹ là sự nghiền ngẫm của lịch sử và được đặt trong bối cảnh hôm nay, khi mà xã hội đã đổi thay; đã phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới trong một tiến trình toàn cầu hóa nhanh chóng. Ngay trong những ngày tháng chúng ta thực hiện Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII (1998) khi Đảng ta có chủ trương “Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, TS Phạm Quang Nghị đã nhìn nhận nhu cầu mở rộng giao lưu, quan hệ quốc tế là tất yếu khách quan. Mở rộng giao lưu cũng có nghĩa là sự giao thoa giữa văn hóa Đông – Tây; giữa bản sắc Việt Nam và tinh hoa nhân loại là đương nhiên. Nhưng, giao lưu, hòa nhập mà không thể hòa tan đó là điều mà một nhà quản lý văn hóa như ông đã nhìn thấu và chỉ ra được. Ông viết: “Những đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước, yêu lao động, lòng nhân ái vị tha và tính cộng đồng. Những giá trị truyền thống đó đã từng là nguồn sức mạnh to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ngày nay bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa những truyền thống ấy vẫn đang là những đòi hỏi cần phải có đối với mọi người.” (trích bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII).
Càng đọc, càng ngẫm mới càng thấy sự đúng đắn của một Nghị quyết về văn hóa của Đảng trong cái giai đoạn mà sự thật – giả của “vàng thau lẫn lộn” về lối sống, văn hóa của con người Việt Nam vẫn còn ẩn ở đâu đó chưa thật rõ nét những mặt trái. Cũng phải thôi khi ấy kinh tế thị trường mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn sau một giai đoạn đầu chập chững làm quen. Vì thế, văn hóa và lối sống của con người Việt Nam vẫn còn rất đáng yêu. Nhưng, đến giờ đọc lại những trang viết của TS Phạm Quang Nghị mới thấy, vượt thoát ra khỏi khuôn thước ngôn từ của một nhà quản lý văn hóa chính là cái đau đáu, nặng lòng với văn hóa; là một sự yêu không đong đếm được của một nhà nghiên cứu văn hóa trước sự “xâm lăng” của thị trường vào văn hóa Việt nói chung và văn hóa ứng xử của người Việt nói riêng.
Ở một góc nhìn khác, cũng là nhằm để bảo tồn và lưu giữ các di sản văn hóa của Việt Nam, với tư cách là Bộ trưởng bộ Văn hóa – thông tin khi ấy (năm 2002), TS Phạm Quang Nghị khi phát biểu trước Quốc hội đã nói: “Chúng ta muốn bài trừ văn hóa độc hại thì phải có cái hay, cái tốt để thay thế. Chúng ta muốn các thành tựu văn hóa, nghệ thuật đến được với công chúng, muốn có các công trình thiết chế văn hóa từ cơ sở đến Trung ương như nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, nhà hát… thì phải tăng nhanh đầu tư”. Cũng tại cùng diễn đàn năm 2002 ấy, Bộ trưởng Phạm Quang Nghị đã cảnh báo: “nếu không khẩn trương quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa, sẽ tạo ra khoảng chênh lệch giữa kinh tế và đời sống tinh thần, sẽ tạo ra sự tụt hậu về văn hóa”. Cảnh báo ấy tiếc thay đến nay nhiều điều đã thành hiện thực. Nhiều nhà hát đã không thể đỏ đèn hàng đêm. Một xưởng phim với những tác phẩm “vang bóng một thời” đang dần lùi vào dĩ vãng và các nghệ sĩ của xưởng phim ấy đang rơi lệ vì kinh tế thị trường chả chừa họ và tư duy nghệ thuật của họ ra.
Hay như bài viết “Lễ hội và ứng xử của những người làm lễ hội” (Tạp chí Cộng sản, năm 2002), ông đặt vấn đề cần “nhận thức cho đúng những giá trị và những đặc điểm bản chất của lễ hội và tín ngưỡng gắn bó với lễ hội”. Nói thế là bởi, nhiều người trong chúng ta không biết vì sao có lễ hội và vì sao con người gắn bó với lễ hội đến không dứt ra được. Từ nhà quản lý đến người dân – chủ thể trong các lễ hội, chỉ khi nhận thức được mới có ứng xử đúng đắn với lễ hội. Điều mà cứ mỗi dịp lễ, Tết báo chí truyền thông đã tốn không ít giấy mực để nói về nó; để phê phán sự biến tướng của lễ hội.
Khép lại phần thứ nhất của cuốn sách như một lẽ tự nhiên, ta bị tác giả “dẫn dụ” đến phần thứ hai với tựa đề Hà Nội trong tôi. Đọc những bài viết tập hợp ở phần thứ hai này mới thấy tình yêu Hà Nội của một người con xứ Thanh lớn lao và sâu đậm thế nào.
Vốn sinh ra ở một mảnh đất giàu truyền thống, đậm đặc văn hóa Bắc Trung bộ khi người con ấy hòa mình với văn hóa Thăng Long – Tràng An, cái chất văn hóa Bắc Trung bộ đã giúp ông thêm yêu văn hóa của vùng đất mà ông từng gắn bó từ thời thanh niên đến hết cuộc đời làm việc của mình. Với ông, Thủ đô văn hiến thì văn hóa sẽ là quan trọng hơn cả. Một thứ văn hóa Tràng An không thể pha trộn dù trong hoàn cảnh nào. Một thứ văn hóa làm giàu thêm cho con người chốn Thăng Long kinh kỳ xưa và Hà Nội ngày nay. Một ngàn năm có lẻ, Hà Nội nay đã nhiều đổi thay. Cuộc sống của người dân đã khác xưa, đã có thêm nhiều nhà cao tầng, nhiều khu dân cư mới, nhiều thiết chế văn hóa được xây dựng; nhưng càng trong phát triển, Hà Nội lại càng cần “văn hóa như cái phanh hãm của cỗ xe kinh tế” để “tránh cho xã hội phát triển trong tình trạng hết sức nguy hiểm” – TS Phạm Quang Nghị khi ấy đang giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trả lời phỏng vấn của một tờ báo như vậy. Có lẽ đó cũng là tự sự của ông – của một người yêu Hà Nội đến từng chân tơ, kẽ tóc; muốn Hà Nội của ông vừa có vẻ đẹp của sự hiện đại, vừa giữ được nét thâm trầm cổ kính của lịch sử chứ không phải là một Hà Nội bị “bào mòn” bởi quá nhiều những sự phát triển nóng.
Dừng lại lâu hơn trên những trang sách của phần thứ ba: Sống trong lòng người, bởi ở đó là sự tri ân sâu sắc về những thế hệ đi trước, mà tri ân theo cách rất riêng, rất văn hóa. Nhớ về đồng chí Nguyễn Văn Linh – nguyên Tổng Bí thư của Đảng, ông đã mượn lời của Đại văn hào Mác xim Goóc ki: “Con người – hai tiếng ấy vang lên mới kiêu hãnh làm sao; hai tiếng CON NGƯỜI ấy xứng đáng được viết hoa cùng với những tính cách nổi bật của con người ấy”. Viết về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã mượn lời thơ của nhà thơ Việt Phương để viết:
“Người đừng đi, đừng rời bỏ đời này
Người còn đây trong tiến trình dân tộc…
Những hàng me đường Sài Gòn vẫn hát
Dòng Cửu Long dâng bát ngát phù sa
Người không đi mà được về bên Bác…”.
Khi nhớ về đồng chí Đào Duy Tùng – Người mà nhiều năm ông được cùng công tác, ông liên tưởng đến ý thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết ca ngợi Bác Hồ “Nâng niu tất cả, chỉ quên mình”… để nói về tấm gương tiêu biểu của một người cộng sản đã sống, chiến đấu, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại… Trân trong, ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền bối, của những thế hệ đã đi qua bằng những ngôn từ nhẹ nhàng, giản dị, sâu lắng, nhưng ẩn chứa nhiều hàm ý.
Và cũng như tất cả mọi người đều được nghỉ hưu, để gác lại những công việc bộn bề hàng ngày và khi nhận quyết định nghỉ hưu ông đã viết: “Riêng về tình cảm với Đảng bộ, với nhân dân Thủ đô, với các đồng chí có mặt trong hội trường này và rất nhiều đồng chí khác không có mặt, thì tôi không bàn giao cho ai được. Đó vừa là kỷ niệm, vừa là tài sản cá nhân mà các đồng chí và nhân dân Hà Nội đã giành cho tôi. Các đồng chí cho phép tôi giữ lại mãi mãi, cho dù kỷ niệm ấy là nồng ấm hay giá lạnh thì tất cả cũng đều đã ngấm vào da thịt chúng ta”. Một niềm xúc động dâng trào không chỉ đối với các đồng chí có mặt trong hội trường và ngay cả đối với những người khi đọc đến những dòng cảm xúc này. Đó cũng chính là những tình cảm, sự tri ân của một con người mà trong mỗi hành động, việc làm, cử chỉ, lời nói, khi còn làm việc, cũng như lúc về nghỉ hưu đều toát lên một cách rất văn hóa.
Gấp cuốn sách lại người ta cảm nhận ở tầng sâu nhất, ẩn trong những con chữ là những khám phá rất đời về một nhân vật mà dân gian hiện nay hay gọi là quan chức cấp cao. Với TS Phạm Quang Nghị, bên cạnh những phẩm chất của một người làm lãnh đạo đó còn là một con người dung dị, hiếu thảo và gần gũi chan hòa. Có lẽ với ông, “sống trong lòng nhân dân” đã đem lại cho ông những suy nghĩ, những cảm nhận không thể nào tuyệt vời hơn nữa về văn hóa, về tình người, về lòng nhân ái và về sự cố kết cộng đồng.
Đọc “Xin chữ” tôi nhận thấy tất cả những điều đó hội tụ, hòa quyện một cách nhuần nhị ở ông. Ngay cả cái cách ông “Xin chữ” một nhà văn hóa Nhật Bản cũng nói lên điều đó. Hy vọng cuốn sách sẽ được những người làm công tác văn hóa cả nước nói chung và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng đón nhận.
( Ảnh minh hoạ : nguồn Internet)
Tô Văn Động
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
Theo MaskOnline