Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án tang văn minh, tiến bộ, đến nay, việc tổ chức đám tang trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, xã Yên Bình được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện Đề án. Yên Bình là xã […]
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án tang văn minh, tiến bộ, đến nay, việc tổ chức đám tang trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, xã Yên Bình được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện Đề án.
Yên Bình là xã miền núi của huyện có sự chung sống của 02 dân tộc Kinh và Mường, trong đó dân tộc Mường chiếm gần 40% dân số. Đây là một trong ba xã chuyển từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về với huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội với nhiều phong tục, tập quán còn lạc hậu. Tuy nhiên, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng trong thực hiện Đề án tang văn minh, tiến bộ, xã Yên Bình đã tích cực triển khai và ghi nhận những kết quả tích cực.
Yên Bình hôm nay
Ngoài các tiêu chí đánh giá là đám tang văn minh, tiến bộ, thì hỏa táng được coi là tiêu chí hàng đầu. Hỏa táng góp phần cơ bản trong thực hiện việc tang văn minh, không chỉ giảm sức ép về quỹ đất, giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh ô nhiễm nguồn nước, lây lan bệnh tật mà còn giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cũng như giảm bớt đau thương cho người thân trong gia đình do không phải cải táng, di dời phần mộ. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền xã Yên Bình coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung tuyên truyền, vận động tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện.
Xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ trên địa bàn xã… Ban chỉ đạo của xã trực tiếp chỉ đạo cán bộ Tư pháp- Hộ tịch về tại gia đình có người từ trần làm thủ tục khai tử kể cả ngày nghỉ; chỉ đạo cán bộ phụ trách Thương binh – Xã hội giải quyết nhanh các giấy tờ cho gia đình có người qua đời để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hỏa táng cũng như thanh toán kinh phí hỏa táng, nhận hỗ trợ kinh phí nhanh, gọn. Ngoài kinh phí của Thành phố, của Huyện hỗ trợ cho mỗi ca hỏa táng, UBND xã chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ mỗi ca hỏa táng 1 triệu đồng. Hiện nay, việc thực hiện hỏa táng thay cho hung táng ở Yên Bình đã dần phổ biến, số người chết được đưa đi hỏa táng tăng lên rõ rệt. Năm 2016, toàn xã có 04/27người chết được đưa đi hỏa táng, chiếm 14,8%; đến năm 2017, tỷ lệ người chết được đưa đi hỏa táng là 25/31 và trong 5 tháng đầu năm 2018 là 12/15, đạt 80%. Trong đó, một số thôn đạt tỷ lệ hỏa táng 100% như: thôn Dân Lập, Thôn Thung Mộ.
Các tập thể được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án
tang văn minh, tiến bộ tại xã Yên Bình
Bên cạnh đó, xã đã tập trung tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội nghị lồng ghép, tuyên truyền trong sinh hoạt chi bộ, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, các câu lạc bộ và trong các cuộc họp dân… Đồng thời, khi có người qua đời, chính quyền địa phương, cán bộ trong thôn đến thăm hỏi, chia buồn và tuyên truyền vận động gia đình, người thân nên cho người qua đời đi hỏa táng. Các khâu tẩm liệm, quàn linh cữu, trang phục mai táng đều có xu hướng nhanh gọn, vệ sinh. Các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản được xoá bỏ như lăn đàng, gọi hồn, yếm bùa,… Việc rải vàng mã, tiền thật dọc đường hầu như không còn. Các tuần tiết sau đám tang như: cúng 03 ngày, cúng tuần 07 ngày, 49 ngày, 100 ngày… về cơ bản đã tiết giảm, hoặc tổ chức gọn nhẹ trong gia đình. Việc chôn cất người quá cố được thực hiện theo quy định của Đề án và thực hiện tại nghĩa trang ở các thôn. Trong đó, đã có 6/10 thôn xây được nhà chờ tại các nghĩa trang. Bên cạnh đó, thay vì tổ chức ăn uống đông người trong các đám tang như trước, hiện nay, việc làm cỗ, mời khách ở địa phương đã không còn.
Ông Nguyễn Giáp Dần- Phó Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã cho biết: Ở địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Yên Bình thì việc thay đổi một tập quán không phải là chuyện dễ. Nhận thức được việc đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ thông qua loa truyền thanh, trong các hội nghị, các tổ chức hội, đoàn thể và xuống tới từng gia đình, thôn dân cư. Đặc biệt, phải nêu cao vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc đi đầu gương mẫu thực hiện việc tang.
Với tinh thần trách nhiệm cao của Đảng ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và các thôn, việc thực hiện Đề án tang văn minh, tiến bộ tại xã Yên Bình sẽ ngày càng đạt kết quả cao hơn nữa. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020./.
Văn Thạch