Di sản – Bảo tồn

Hát Văn thi – Một thời vang bóng

Hát văn, còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Lão nghệ nhân Hoàng Trọng Kha 94 tuổi

Tại Hà Nội, sinh hoạt hát văn, giao lưu hát văn, hát văn thờ từng diễn ra khá sôi động vào nửa đầu thế kỷ 20. Các cuộc giao lưu, đàm đạo đã được các nghệ nhân, cố nghệ nhân đến từ các tỉnh thành tạo dựng lên trong quá trình về Thủ đô mưu sinh. Bên cạnh hát văn thờ, hát văn thi vẫn được tổ chức cho đến những năm 1949, 1950. Hàng năm vào ngày tiệc, người ta thường lấy bản văn sự tích đền ra làm nội dung cho hát văn thi. Có thể nói, hát văn thi chính là động lực để đem đến sự tồn tại và phát triển cho hát văn thờ.

Cung văn Nguyễn Xuân Chinh tham gia trải nghiệm chương trình “Hát Văn Thi – Một thời vang bóng”

Tuy nhiên, trong lịch sử, hát văn cùng hầu đồng đã có thời kỳ bị hiểu nhầm là mê tín dị đoan, là “tàn dư văn hóa độc hại của chế độ phong kiến”. Theo đó hàng loạt địa điểm thực hành tín ngưỡng, tổ chức Hát Văn bị cấm hoạt động hoặc phá bỏ. Môi trường diễn xướng không còn, các hình thức sinh hoạt cổ truyền của Hát Văn cũng dần biến mất khỏi đời sống xã hội.
Sự đứt gãy về thời gian và môi trường diễn xướng làm cho Hát Văn cổ truyền dần mai một theo năm tháng và rất nhiều giá trị đã ra đi theo các bậc cung văn cao tuổi. Hát văn thi và Hát văn thờ cũng không nằm ngoài vòng xoáy hao mòn đó. Lần tổ chức Hát Văn Thi của giới cung văn Việt Nam diễn ra gần nhất cách đây đã được 24 năm, vào năm 1994 tại đền Sòng Vọng phố Tôn Đức Thắng, thành phố Hà Nội.

Cung văn Nguyễn Văn Trân

Nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của nghệ thuật Hát Văn cổ truyền, tạo cơ hội tiếp xúc trực tiếp giữa người gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể Chầu Văn và công cúng. Đồng thời giúp tăng thêm sự hiểu biết và tình yêu đối với loại hình nghệ thuật truyền thống này, Trung tâm Văn hóa Thành phố (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã phối hợp với Ban quản lý Đình – Đền Lưu Phái (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì), Trung tâm Xúc tiến Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long, Dự án Chèo 48h tổ chức chương trình “Về nguồn – Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội” – số trải nghiệm cùng nghệ thuật hát Chầu văn với chủ đề “Hát Văn thi – Một thời vang bóng”.

Các cung văn tham gia trải nghiệm chương trình “Hát Văn thi – Một thời vang bóng”

Chương trình “Hát Văn thi – Một thời vang bóng” quy tụ sự tham gia của các nhà nghiên cứu uy tín, các nghệ nhân, cung văn lão luyện trong làng hát Văn Việt Nam như Lão nghệ nhân Hoàng Trọng Kha 94 tuổi đến từ Tp Hà Nội; Nghệ nhân ưu tú Bùi Quốc Thi – Chủ nhiệm CLB Bảo tồn Nghệ thuật hát Chầu Văn xứ Đoài; Nghệ nhân Xuân Tĩnh; Bà Lê Thị Hạnh – Trưởng ban Cung văn đền Rừng (Ngọc Thụy, Long Biên)… Họ chính là những người dẫn chuyện giúp người tham gia cùng khán thính giả trải nghiệm việc tìm hiểu các giá trị văn hóa – lịch sử của Hát Văn thi; Trình diễn giới thiệu một cuộc Hát Văn thi và hướng dẫn người tham gia Hát Văn thi… Từ đó lan tỏa tình yêu và trách nhiệm gìn giữ Hát Văn thi nói riêng, Hát Chầu văn nói chung tới thế hệ các cung văn trẻ và người tham gia khác.

Lão nghệ nhân Hoàng Trọng Kha trao giải cao nhất cho 2 cung văn tham gia trải nghiệm

Chương trình “Về nguồn – Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội” – Số trải nghiệm “Hát Văn thi – Một thời vang bóng” cũng là một trong các chương trình nằm trong kế hoạch số 42/KH-TTVHTP của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhằm triển khai thực hiện các hoạt động của website Hanoidep.vn, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đang dần bị mai một.

Thúy Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *