Các loại hình khác

Hội thảo về thơ Hà Nội sau 45 năm thống nhất đất nước

Ngày 10/6, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Thơ Hà Nội: Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước”. Tại sự kiện, các đại biểu đã nhấn mạnh về sự chuyển mình mạnh mẽ, tích cực của thơ ca Hà Nội sau khi đất nước thống nhất, hòa bình..

Hà Nội vẫn là trung tâm đời sống thơ ca của đất nước với nhiều nhà thơ tên tuổi, nhiều tác phẩm nổi tiếng; đồng thời là nơi gắn kết, giao lưu với thơ ca thế giới qua nhiều hoạt động như: Ngày Thơ Việt Nam, Hội nghị quảng bá văn học… Buổi hội thảo cũng là tiền đề để Hội Nhà văn Hà Nội gặp mặt các hội viên, cây bút mới, chọn ra tác phẩm chất lượng để xuất bản những tuyển tập thơ về Hà Nội trong thời gian tới.

Trong thời chiến (1945-1975), hình ảnh của Hà Nội hiện lên với rất nhiều cung bậc cảm xúc như lãng mạn, hào hoa trong những vần thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng ( Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm) hay trường ca “Em ơi Hà Nội phố” của nhà thơ Phan Vũ….

Sau 1975 cho tới nay, Hà Nội trở về với thời bình, gắn với những câu chuyện, cảm xúc, tâm sự riêng của từng cá nhân. Nhận xét về giai đoạn này, TS Đỗ Anh Vũ (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng, chỉ có sự chân thành trong tình yêu Hà Nội là nguồn cơn duy nhất khiến những bài thơ, câu thơ lưu luyến mãi trong ký ức người đọc. Hàng loạt bài thơ về Hà Nội thời bình đã được các nhạc sĩ phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng như: Có phải em mùa thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu), Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa (thơ Bùi Thanh Tuấn), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng)… Các bài hát đi vào công chúng, chắp thêm đời sống mới cho tác phẩm. Điều đó minh chứng cho sức sống bền lâu của các vần thơ về Hà Nội.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nhận xét, sau ngày thống nhất đất nước (1975), đề tài về chiến tranh tiếp tục trải dài trong thơ ca về Hà Nội. Và đó là các vần thơ về nỗi niềm của người lính nhớ về chiến trường, nhớ về người đã khuất, về nhân tình thế thái và các vấn đề hậu chiến. Càng về sau này, các vần thơ đã tập trung nhiều hơn cho đời sống mới, phát hiện ra vẻ đẹp mới trong công việc của những người dân Hà thành. Thời gian qua, các nhà thơ Hà Nội đã tham gia chiến đấu cho cuộc chiến chống Covid-19, họ coi cuộc chiến chống Covid-19 như chống giặc, cũng có hào khí và hào hùng. Các nhà thơ thành chiến sĩ và trang giấy thành chiến lũy.

Tại Hội thảo, các tham luận đã cho thấy rằng, có một dòng chảy thơ Hà Nội từ hàng ngàn năm trước, có sức sống bền lâu trong lòng công chúng, từ những câu ca dao về vẻ đẹp, con người, đời sống đất kinh kỳ đến những thi phẩm trải dài qua các triều đại phong kiến. Đặc biệt là một loạt thi phẩm của các danh gia giai đoạn nửa cuối thể kỷ 18 – nửa đầu thế kỷ 19 đều sử dụng địa danh Thăng Long như hồi ức về một thời kỳ không thể nào quên. Nổi tiếng như bài thơ ‘Thăng Long hoài cổ’ của Bà huyện Thanh Quan với những ời thơ day dứt, đầy hoài niệm tiếc nuối: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

“Để có được những vần thơ như: Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Chính Hữu, Quang Dũng, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật … thì cần có thời gian để thẩm thấu và lắng đọng. Tôi tin rằng, các vần thơ sáng tác về Hà Nội được sáng tác bằng trái tim và lòng nhiệt huyết sẽ trường tồn cùng thời gian. Và các nhà thơ tài năng của Hà Nội cũng đang ở phía trước… “, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ.

X.T

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *