Tối 31/10, Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (Haniff) lần thứ 5 -2018 đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô sau 5 ngày tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo các nghệ sĩ, các nhà sản xuất điện ảnh trong nước và quốc tế.
Tham dự Lễ bế mạc và trao giải có Ông Nguyễn Ngọc Thiện – Ủy viên BCHTW Đảng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch – Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan phim (LHP); ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – Phó trưởng Ban chỉ đạo LHP, TS. Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục điện ảnh – Trưởng ban tổ chức, Giám đốc Haniff 2018.
Trong bài phát biểu tổng kết LHP, Bà Ngô Phương Lan cho biết: Trong những ngày diễn ra LHP, công chúng Thủ đô đã vô cùng háo hức và tham gia nồng nhiệt vào các Chương trình của LHP. Đặc biệt, khán giả đã có cơ hội để xem 147 bộ phim của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 201 buổi chiếu phim tại rạp, trong đó có 48 buổi chiếu có Nghệ sĩ các đoàn làm phim ra mắt, giao lưu trực tiếp với khán giả trước giờ chiếu.
Chương trình Phim Việt Nam đương đại khiến các khán giả trở nên hào hứng hơn khi có cơ hội được xem phim và được bình chọn cho Phim Việt Nam được yêu thích nhất. Đặc biệt, không chỉ được xem 47 bộ phim Việt Nam mới, đa dạng về thể loại, đề tài phong phú, khán giả còn được thưởng thức 100 tác phẩm điện ảnh nước ngoài, các tác phẩm đại diện cho dòng phim kinh điển đến các phim mới sản xuất.
Điểm nhấn đem đến sự hào hứng cho khán giả hơn nữa và cũng là nét tươi mới của Liên hoan Phim chính là 03 buổi chiếu phim ngoài trời, giao lưu với khán giả tại trung tâm thành phố với các bộ phim Cô Ba Sài Gòn (Việt Nam), Anida và gánh xiếc nổi (Argentina) và Giản đơn (Australia).
Hơn 1200 đại biểu và khách mời cũng như các nghệ sĩ điện ảnh có tác phẩm tham dự LHP, các nhà sản xuất phim, những người hoạt động điện ảnh tên tuổi trên thế giới và Việt Nam đã đến với Hà Nội trong 5 ngày vừa qua (27-31/10). Họ đã tạo được không khí náo nức, say mê nghề nghiệp lan tỏa trong giới những người làm nghề điện ảnh, sinh viên các trường nghệ thuật, khích lệ không khí sáng tác, xây dựng tác phẩm, tìm tòi cơ hội hợp tác làm phim thông qua các hoạt động nghiệp vụ chuyên sâu như Hội thảo, Trại Sáng tác và Chợ Dự án phim.
Sau 5 ngày diễn ra sôi nổi, BTC LHP đã trao giải cho những tác phẩm xuất sắc ở thể loại Phim dài, Phim ngắn và giải Netpac – giải thưởng của Mạng lưới khuyến khích điện ảnh Châu Á.
Bộ phim Buồng tối (The Dark Room) của điện ảnh Iran, do đạo diễn Rouhollah Hejazi thực hiện đã giành được giải thưởng quan trọng nhất: Phim dài xuất sắc nhất. Đúng như đạo diễn Rouhollah chia sẻ tại lễ trao giải “Tôi hy vọng không còn bạo lực trên thế giới, nhất là với trẻ em’, bộ phim mang đến những thông điệp quý giá cho mỗi gia đình. Vì muốn tìm hiểu và ‘làm cho ra nhẽ’ kẻ khả nghi đã ‘quấy rối’ đứa con trai 5 tuổi sau một lần bị lạc, vợ chồng Farhad và Haleh, đặc biệt là Haleh đã bạo hành chính con trai mình mà không nhận ra khiến đứa trẻ vì quá sợ hãi mà không thể nói ra sự thật. Phim cũng gửi gắm chúng ta thông điệp về tình yêu với con cái và cách thức chúng ta thể hiện nó, bởi đôi khi ranh giới giữa yêu thương và bạo hành cũng rất mong manh…
Những năm gần đây, điện ảnh Iran nổi lên trong khu vực và trên thế giới với nhiều tác phẩm ‘hại não’ người xem. Không cảnh nóng, không bạo lực, không bia rượu và bị kiểm duyệt nghiêm ngặt nhưng điện ảnh Iran vẫn luôn thành công vang dội tại các Liên hoan phim quốc tế danh tiếng. Tại LHP quốc tế năm nay, Iran có một chương trình phim riêng với nhiều bộ phim nổi bật. Các nhà làm phim, đạo diễn của Iran cũng đã chia sẻ kinh nghiệm làm phim ‘ăn giải’ của mình trong Hội thảo ‘Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran’ trong khuôn khổ LHP năm nay. Hầu hết, các tác phẩm đoạt giải của Iran không phải là những phim kinh phí lớn. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công cho điện ảnh Iran chính là các đạo diễn luôn tìm cách làm phim độc lập và sáng tạo trong cách thể hiện để qua được sự kiểm duyệt.
Trở lại với lễ trao giải, hạng mục Phim dài dự thi tiếp tục xướng tên đạo diễn người Ba Lan Piotr Domalewski. Ông đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Đêm yên lặng (Silent Night). Khoảng 30 phút đầu tiên, đạo diễn thử thách khán giả với những cú máy quay tay lia nhoang nhoáng trên màn ảnh. Những phút về sau, nhịp phim dần trở lại, yên lặng, bình thường, gấp gáp và có lúc bùng nổ dữ dội. Adam từ Hà Lan trở về Ba Lan với hy vọng bán ngôi nhà thừa kế của ông nội để lo cho tương lai của đứa con sắp chào đời của mình. Nhưng căn nhà ấy không chỉ là tương lai của con anh, của anh mà là tương lai của cả đại gia đình anh. Sự trở về của Adam, vốn là niềm mong mỏi hàn gắn lại quan hệ với mọi người đã sứt mẻ từ trước nay lại bị phá vỡ hoàn toàn cái không khí yên lặng của miền thôn quê Ba Lan vào dịp cuối năm. Xu hướng dịch chuyển, sự mưu cầu hạnh phúc, tìm kiếm tương lai tươi sáng ở một chân trời khác không phải là chuyện mới và không chỉ xảy ra ở Đông Âu. Điểm sáng ở đây là cách kể chuyện của đạo diễn, một điểm nóng của thế giới những năm gần đây được gói gọn trong câu chuyện của Adam, ước mơ bình thường bị ngăn cản bởi nhiều điều tưởng như nhỏ nhặt, bình thường khác trong cuộc sống. Và Adam, cho đến cuối cùng vẫn không chịu lùi bước, không muốn mắc sai lầm như bố và chú (ra đi rồi lại trở về), vẫn sang Hà Lan dù tương lai đã bị thiêu trụi.
Cũng về đề tài dịch chuyển, tìm kiếm tương lai ở một phương trời khác, Intoy trong phim Tín hiệu trên đỉnh núi (Signal Rock) của Philippines lại hứng chịu một bi kịch khác: tất cả con gái trên hòn đảo nơi anh sống đều được nuôi dạy để lớn lên …lấy chồng nước ngoài bởi nơi đây không mang lại cuộc sống tốt đẹp cho họ. Chị gái, người yêu của Intoy cũng không ngoại lệ. Chàng trai trẻ, một thanh niên miền biển vô tư, thật thà trong hành trình làm giả các loại giấy tờ để giúp chị gái giành quyền nuôi con với người chồng không hôn thú ở Phần Lan đã dần nhận ra những giá trị thực của cuộc sống. Dù đau khổ khi không níu chân được bạn gái nhưng Intoy lại vui vẻ chấp nhận cuộc sống giản đơn của mình trên đảo và sẵn sàng mở lòng giúp đỡ hết thảy mọi người. Một câu chuyện rất đời, một bộ phim ngồn ngộn chất liệu từ cuộc sống thực, được miêu tả qua những lời thoại vừa hồn hậu vừa dí dỏm. Trong câu chuyện ấy, Intoy nổi lên là một điểm sáng. Diễn xuất xuất sắc của Christian Bables trong vai Intoy đã mang lại cho nam diễn viên trẻ giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Chia sẻ trong buổi chiếu phim, Christian Bables cho biết đây là một bộ phim phản ánh rất thực đời sống của Philippines hiện tại.
Ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc, Phương Anh Đào của Việt Nam được gọi tên. Cô đoạt giải nhờ vai diễn đầu tay trong bộ phim Nhắm mắt thấy mùa hè.
Nữ sinh A (Student A) – bộ phim đến từ xứ sở kim chi của đạo diễn Lee Hyung Sub được trao giải Netpac– Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á. Nữ sinh A có câu chuyện không mới nhưng cách thể hiện giàu tính nhân văn.
Dân quê (Pale Folk) – bộ phim đánh dấu lần đầu tiên tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội của điện ảnh Serbia giành được giải thưởng của Ban giám khảo. Dân quê khiến khán giả ngồi trong rạp mất…kiên nhẫn bởi nhịp phim chậm, lê thê, không có cốt truyện cụ thể. Các nhân vật được đưa ra đều mông lung, vô định như cuộc trốn chạy của chàng thanh niên sau khi đánh cắp một tượng đài bằng đồng.
Ở hạng mục Phim ngắn dự thi, đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt được trao giải Đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc nhất cho phim Bạn cùng phòng; Hai đứa trẻ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư được giải thưởng của BGK; Giải Phim ngắn xuất sắc nhất giành cho Su của đạo diễn Aizhana Kassymbek của Kazakhstan.
Vân Hà
Danh sách các giải thưởng Haniff 2018:
Giải Đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc nhất: Nguyễn Lê Hoàng Việt (Phim Bạn cùng phòng), Việt Nam
Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim ngắn: Phim Hai đứa trẻ (Đạo diễn: Tạ Quỳnh Tư), Việt Nam
Giải phim ngắn xuất sắc nhất: Phim Su (Đạo diễn: Aizhana Kassymbek), Kazakhstan
Giải mạng lưới khuyến khích Điện ảnh châu Á: Phim Nữ sinh A – Student A (Đạo diễn: Lee Kyung-sub), Hàn Quốc
Giải Diễn viên nam chính xuất sắc nhất: Christian Bables (Phim Tín hiệu trên đỉnh núi), Philippines
Giải Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất: Phương Anh Đào (Phim Nhắm mắt thấy mùa hè), Việt Nam
Giải đạo diễn phim dài xuất sắc nhất: Piotr Domalewski (Phim Đêm yên lặng – Silent Night), Ba Lan
Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim dài: Phim Dân quê – Pale Folk (Đạo diễn: Vladimir Todorovic), Serbia
Giải phim dài xuất sắc nhất: Phim Buồng tối – The Dark room (Đạo diễn: Rouhollah Hejazi), Iran
Giải bình chọn phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong Chương trình phim Việt Nam đương đại: Phim Chàng vợ của em (Đạo diễn: Charlie Nguyễn), Việt Nam.
Theo MaskOnline