Hà Nội đẹp

Tìm kiếm nhân vật trải nghiệm cho điệu múa ‘Con đĩ đánh bồng’

Chương trình ‘Về nguồn: Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội’ đang tìm kiếm nhân vật trải nghiệm cho điệu múa cổ nổi tiếng của làng Triều Khúc ‘Con đĩ đánh bồng’.

Về nguồn: Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội là một chương trình do Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh – Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long, Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của các nhân vật trải nghiệm.

Về nguồn 2018 là một bức tranh thu nhỏ về 5 loại hình nghệ thuật truyền thống của Hà Nội. Điểm mới của bức tranh Về nguồn năm nay là tính tập trung, kế thừa và hướng tới sự phát triển bền vững thông qua việc chia sẻ và truyền dạy. Không chỉ xuất phát từ phía “người-trong-ngành” mà đội ngũ BTC nòng cốt năm nay cũng chính là “nhân vật trải nghiệm” được tuyển chọn đặc biệt để có thể chia sẻ, dẫn dắt và truyền cảm hứng tới những người trẻ quan tâm và yêu thích văn hóa truyền thống.
Bức tranh Về nguồn 2018 có 5 mảnh ghép, tương đương với 5 số trải nghiệm mà Nhân vật trải nghiệm sẽ được chọn lựa để tham gia, dựa trên sự yêu thích và phù hợp của mỗi cá nhân.
5 mảnh ghép dự kiến “lên sóng” từ ngày 25/8 đến 25/9. “Giữ lại giá trị cốt lõi ở hiện tại, duy trì và phát triển ở tương lai” là điều mà Về nguồn 2018 muốn gửi gắm và trao sứ mệnh tới thế hệ người trẻ Việt nói riêng và những người yêu nghệ thuật truyền thống nói chung.

Trong số trải nghiệm lần này, BTC muốn tìm kiếm nhân vật trải nghiệm là nam cho điệu múa cổ nổi tiếng của làng Triều Khúc – ‘Con đĩ đánh bồng’ hay còn gọi là Trống Bồng.

Điệu múa Trống bồng của làng Triều Khúc

Theo tục xưa kể rằng: vào thế kỷ thứ 8, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã tập kết các nghĩa sĩ tại làng Triều Khúc để bao vây quân nhà Đường đóng tại Tống Bình – Đại La (tức TP Hà Nội ngày nay). Để khích lệ tinh thần tướng sĩ, Đại Vương đã cho binh lính giả trang làm phụ nữ, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống bồng nhảy múa. Từ đó trở đi, vào mùa Xuân, từ ngày mùng 9 đến 12 tháng Giêng, dân làng lại tổ chức lễ hội rước Thành hoàng Phùng (tức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng). Trong lễ rước trang trọng, múa Trống Bồng đã trở thành một điệu múa linh thiêng, một nghi thức không thể thiếu để nhân dân làng Triều Khúc tỏ lòng biết ơn trước công lao to lớn của Đức Đại Vương.

Điệu múa được thực hiện bởi 6 nam nhân khỏe mạnh, mặt hoa, da phấn, môi son, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực, quấn quýt bên nhau và nhảy những điệu múa cực kỳ “lơi lả”. Múa trống bồng có khoảng 30 điệu nhưng không thể thiếu ba động tác chính: đánh trống bồng đi ngang, uốn tay như bông hoa rồi lượn tay vuốt xuống tang trống. Hai người múa tay chân đối xứng, đối mặt, đối lưng, nhịp nhàng theo tiếng nhạc đệm (gồm trống khẩu, thanh la và trống bản). Động tác khó nhất là lúc hai người cùng vung tay đánh trống, chân nhấc cao, bước rộng rồi xoay người tì lưng vào nhau. Nếu không phối hợp ăn ý và tập luyện nhuần nhuyễn thì sẽ không thể thực hiện được động tác này. Tài nghệ của cặp múa trống bồng không chỉ ở bàn tay, đôi chân, sự phối hợp nhịp nhàng mà đặc biệt còn ở khuôn mặt. Nam nhân tham gia múa phải trang điểm sặc sỡ và luôn tươi cười, hân hoan hướng về phía khán giả.

Thời gian trải nghiệm sẽ diễn ra vào ngày 19/8/2018  tại Làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Hà Văn

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *