Tin tức - Sự kiện

Tháng Tám ở ngôi nhà lịch sử

Ông Công Ngọc Dũng (thứ 3 từ trái qua) đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp TP. Ảnh: Lại Tấn. Ấm áp những kỷ niệm Một chiều tháng 8 lịch sử, tôi tìm đến ngôi nhà số 6, ngõ 319 đường An Dương Vương (quận Tây Hồ, Hà Nội). Nằm bình lặng […]

Ấm áp những kỷ niệm
Một chiều tháng 8 lịch sử, tôi tìm đến ngôi nhà số 6, ngõ 319 đường An Dương Vương (quận Tây Hồ, Hà Nội). Nằm bình lặng giữa phố thị ồn ào, ngôi nhà cũ kĩ phủ sơn vàng, nhuốm màu thời gian, trước cổng có một tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ: “Từ chiều ngày 23/8 – 25/8, từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghỉ tại nhà cụ Nguyễn Thị An, là cơ sở cách mạng thời kỳ 1941 – 1945 ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Tại đây, Người đã nghe kết quả về cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước và bàn việc chuẩn bị ra mắt Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hà Nội với các đồng chí trong Ban Thường vụ T.Ư Đảng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh”.

Hàng chục năm qua, vợ chồng ông Công Ngọc Dũng (cháu nội cụ Nguyễn Thị An) vẫn miệt mài quét dọn, chăm chút cho ngôi nhà. Theo lời kể của ông Dũng: “Chiều tối 23/8/1945, cụ Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng về đến ngôi nhà này. Nhưng khi đó, cả nhà không ai biết là cụ Hồ bởi ông Hoàng Tùng chỉ nói có các đồng chí từ chiến khu mới về, nghỉ ở đây mấy hôm. Trong đoàn có một cụ già người gầy gò, nước da sạm nắng phong sương, râu tóc đen để dài, đặc biệt có vầng trán cao và đôi mắt sáng khác thường”. Đêm đầu tiên ở nhà cụ An, Bác làm việc rất khuya. Ông Kha (ông nội của ông Dũng) đi gác về vẫn thấy cụ ngồi làm việc dưới ánh đèn dầu. Ông Kha chào, thấy cụ ngẩng lên cười rồi cũng không dám hỏi gì. Sớm hôm sau, ông cụ dậy sớm ra bờ ao trước nhà tập thể dục. “Bố tôi kể, chị gái của tôi khi đó 3 tuổi đã được Bác Hồ bế và dạy hát” – ông Dũng nhớ lại.
Đến chiều 25/8, khi ăn trưa xong, Bác Hồ gặp mọi người trong nhà cám ơn và chào tạm biệt vì phải đi công tác. Chiều 2/9, cụ An cùng cả nhà ra quảng trường Ba Đình, dù được nghe giọng nói rất quen nhưng không ai nhận ra ông cụ hôm trước là người đứng trên lễ đài đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. “Chỉ đến khi về nhà, ông Hoàng Tùng tiết lộ thì mọi người trong nhà mới bất ngờ, vậy là người ở nhà mình hôm trước chính là cụ Hồ. Mọi người vừa mừng, vừa tiếc nuối vì không nhận ra cụ Hồ sớm hơn” – ông Dũng nói.
Địa chỉ đỏ cách mạng
Có một câu chuyện về đức tính giản dị, gần gũi Bác mà gia đình cụ An luôn ghi nhớ sâu sắc. Đó là ngày 24/11/1946, gia đình cụ An được báo tin có Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đến thăm nhà. Khi đến nơi, cụ Hồ đã ân cần hỏi thăm bố chồng bà An. Bữa trưa đó, gia đình có làm mâm cơm ngon hơn thường ngày mời Bác. Tuy nhiên, Bác không bằng lòng và hỏi bà Lê Thị Thanh – người trực tiếp chăm lo việc ăn uống của Bác, tại sao bữa cơm hôm nay lại nhiều thức ăn như vậy. Bà Thanh có thưa, đây là mâm cơm gia đình tự làm để mời Bác. Nhưng Bác phê bình bà Thanh: “Lần này tôi về đây, chị tổ chức cho ăn ngon hơn như thế này, thì nay mai tôi đến xã khác, các anh, các chị mổ trâu, mổ bò cho tôi ăn hay sao?”.
Năm 1996, ngôi nhà của gia đình ông Công Ngọc Dũng được TP Hà Nội công nhận là di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ. Gia đình ông Dũng được đón rất nhiều lãnh đạo T.Ư và Hà Nội về thăm. Mỗi lần đến, các vị lãnh đạo đều chụp ảnh lưu niệm. Những bức ảnh ấy được gia đình ông Dũng treo trang trọng ở phòng khách như một cách lưu giữ ký ức đẹp và giáo dục con cháu về truyền thống tốt đẹp.
74 năm qua, những vật dụng gắn với kỷ niệm khi Bác Hồ về dừng chân năm nào vẫn được gia đình ông Dũng giữ nguyên vẹn. Đó là cái máy chữ, chiếc trường kỷ nơi Bác ngồi làm việc, bàn bạc công việc, chiếc chậu Bác dùng và cả cây hoa mộc trước cửa, được trồng từ khi dựng nhà, cũng được ông nâng niu, chăm sóc đến tận bây giờ, bởi nó gắn với kỷ niệm của nhiều thế hệ trong gia đình với Bác Hồ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *