Hà Nội đẹp

Phát động Đợt cao điểm về vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội

Ngày 06/3, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 770/UBND-KGVX, phát động đợt thi đua cao điểm làm tốt công tác vệ sinh môi trường trên toàn thành phố trước thềm kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố, gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Công tác vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức phát động Đợt cao điểm về vệ sinh môi trường trên địa bàn; đảm bảo triển khai đến từng thôn, tổ dân phố, từng hộ gia đình; các địa điểm công cộng; cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện… Tập trung cao độ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn Thành phố nâng cao ý thức trách nhiệm và tự giác thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong sinh hoạt.
Rà soát, đánh giá, triển khai thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, môi trường; các quy định về quản lý quảng cáo, rao vặt, ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường, đảm bảo trật tự, kỷ cương, mỹ quan đô thị. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực phụ trách và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường trên địa bàn. Tổ chức tháo dỡ mái che, mái vẩy, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt làm mất mỹ quan đô thị; Thực hiện quảng cáo theo quy định; Kiên quyết dẹp bỏ họp chợ, kinh doanh buôn bán, để vật liệu xây dựng, rửa xe, trông, gửi xe ô tô, xe máy trên hè, đường không đúng quy định.
Các đơn vị vệ sinh môi trường có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, tuyến phố, khu dân cư. Thu dọn, vận chuyển kịp thời, không để rác thải tồn đọng trong ngày. Lòng đường vỉa hè luôn sạch sẽ; không có nước đọng, rác thải trên lòng đường, vỉa hè. Vệ sinh các thùng rác công cộng, các xe gom rác đảm bảo mỹ quan đô thị. Thực hiện các giải pháp giảm bụi bẩn trên đường phố; xây dựng, lắp đặt bổ sung và đảm bảo hiệu quả hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng; tổ chức các đợt tăng cường vệ sinh môi trường; thực hiện đồng bộ công tác vệ sinh môi trường với đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và chỉnh trang đô thị.
Tiếp tục duy trì thực hiện Chỉ thị số 04/2003/CT-UB ngày 17/01/2003 của UBND Thành phố về việc tổng vệ sinh toàn Thành phố vào 6h30 sáng thứ bảy hàng tuần. Thực hiện tốt phong trào tổng vệ sinh tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; các khu tập thể, tổ dân phố, khu dân cư. Tạo thói quen không vứt rác ra đường, bảo vệ chăm sóc cây xanh, tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt, thành nếp sống đẹp của người Thủ đô.
Tiếp tục triển khai thực hiện 02 Bộ quy tắc ứng xử nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong giao tiếp ứng xử, nhất là trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa thương mại, giao tiếp, ứng xử ở nơi công cộng. Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán; mọi người khi tham gia giao thông thực hiện đi đúng làn đường, đỗ dừng xe, để xe đúng nơi quy định.
Thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Phong trào “Người tốt – Việc tốt”; những quy định trong xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa. Tổ chức tốt việc xét công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” “Tổ dân phố văn hóa”. Đẩy mạnh và duy trì hoạt động và nề nếp sinh hoạt văn minh công sở kết hợp với kiểm tra, đánh giá, xử lý thường xuyên. Duy trì và tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng” trên địa bàn toàn Thành phố và phong trào thực hiện tổng vệ sinh vào chiều thứ Sáu sáng thứ Bảy hàng tuần, tập trung vào khối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các khu tập thể, tổ dân phố, khu dân cư tập trung.
Đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo hướng dẫn của ngành y tế. Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn theo dõi cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến người dân để chủ động phòng dịch. Nắm bắt, theo dõi chặt chẽ các khu vực trên địa bàn có người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc để có các biện pháp tuyên truyền phù hợp. Thực hiện tuyên truyền phòng chống dịch bệnh bằng các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật trong thang máy tại các khu chung cư, trên màn hình Led tại các địa điểm công cộng 24/24/7 để mọi người dân, kể cả người nước ngoài biết cách phòng, chống cũng như sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid 19 gây ra. Thường xuyên phun thuốc khử khuẩn môi trường tại cơ quan, đơn vị, các thôn, xóm…
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan thông qua các hình thức: băng dzôn, khẩu hiệu, pano, áp phích… và tuyên truyền lưu động trên địa bàn tập trung đông dân cư. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị kết hợp với tuyên truyền về an toàn giao thông trên hệ thống loa truyền thanh của phường, xã, thị trấn.

Quốc Tuấn

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *