Di sản

Bế mạc Triển lãm và liên hoan thư pháp “Thăng Long – Hà Nội”

Chiều ngày 10/10, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Lễ bế mạc Triển lãm và Liên hoan thư pháp chủ đề “Thăng Long – Hà Nội” tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu trao chứng nhận cho người viết thư pháp tham gia Triển lãm.

Qua hơn một tuần hoạt động, với các hoạt động phong phú và hấp dẫn như: Trình diễn thư pháp trên lá cờ, trình diễn thư pháp Quốc ngữ, cho chữ, tập viết chữ thư pháp, giải đố thơ, tọa đàm thư pháp,… Triển lãm và Liên hoan thư pháp chủ đề “Thăng Long – Hà Nội” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và những người yêu nghệ thuật thư pháp.

Hoạt động trình diễn thư pháp tại chương trình.

Tại Lễ bế mạc, với mong muốn thể hiện tình đoàn kết, đồng lòng giữa các câu lạc bộ, các thư pháp gia và Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các thư pháp gia Hán Nôm và Quốc ngữ đã gửi tới công chúng yêu thư pháp màn trình diễn ấn tượng bức thư pháp đề chữ “Tâm” ở chính giữa, hai bên chữ “Văn Miếu – Quốc Tử Giám” cùng tên các câu lạc bộ thư pháp tham gia Triển lãm.

Hoạt động cho chữ tại Liên hoan Thư pháp.

Theo ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Triển lãm và Liên hoan thư pháp “Thăng Long – Hà Nội” được tổ chức đã thu hút sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật thư pháp không chỉ của Thủ đô mà còn ở nhiều địa phương khác. Sự góp mặt của các nhà thư pháp đến từ Huế, Sài Gòn đồng thời có ý nghĩa kết nối 3 miền, là cơ sở cho hoạt động thư pháp phát triển bền vững theo định hướng văn hoá.

Tiết mục biểu diễn cổ phong “Lều chõng” – kỳ thi Hương của một sĩ tử thời Nguyễn được các bạn trẻ tái hiện trên sân khấu, giúp khán giả hiểu hơn về cuộc đời học tập của Nho sinh thời xưa.
Hoạt động trải nghiệm tập viết thư pháp.

Triển lãm và Liên hoan thư pháp chủ đề “Thăng Long – Hà Nội” đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn vang mãi trong lòng công chúng yêu nghệ thuật thư pháp. Đây là cầu nối giữa các câu lạc bộ thư pháp, các thư pháp gia từ ba miền Bắc, Trung, Nam và khách tham quan. Triển lãm và Liên hoan thư pháp lần này là một hoạt động văn hóa ý nghĩa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

QTG

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *