Nhằm thúc đẩy thực hiện các cam kết của Hà Nội với tư cách là thành viên của “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO”, sáng 28/11, tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các đơn vị chuyên môn tổ chức Hội thảo “Thiết kế Sáng tạo từ nguồn lực Văn hóa Thủ đô”.
Hội thảo “Thiết kế Sáng tạo từ nguồn lực Văn hóa Thủ đô” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 nhằm trao đổi, bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm về Kế hoạch hành động và cơ chế chính sách của thành phố Hà Nội, với sự tham dự của các chuyên gia uy tín, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đại diện các không gian sáng tạo văn hóa và một số Trường Đại học trên địa bàn Thủ đô.
Mạng lưới “Các Thành phố Sáng tạo UNESCO” được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu Thành phố Thiết kế sáng tạo. Thông qua việc tham gia Mạng lưới, các thành phố cam kết chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình và phát triển quan hệ đối tác công tư cũng như các tổ chức xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa khẳng định: Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội – Thành phố sáng tạo.
“Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Chặng đường phía trước đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Thành phố, từ các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của mỗi người dân Thủ đô. Thông qua Hội thảo này, Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của tất các các bên liên quan để hiện thực hóa tầm nhìn, vì các mục tiêu phát triển bền vững” – bà Phạm Thị Mỹ Hoa nhấn mạnh.
Với những đóng góp tích cực trong quá trình tham mưu, tư vấn và hoạch định chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa; trong đó, có một số kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trong việc hiện thực hóa các giải pháp xây dựng Hà Nội – thành phố thiết kế sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo Unesco, hình thành cơ chế chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua phát triển các nghành công nghiệp văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã đưa ra nhiều ý kiến về hành trình hiện thực hoá các sáng kiến hành động của Hà Nội – Thành phố thiết kế sáng tạo thuộc Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, các chính sách của thành phố Hà Nội thời gian qua đã bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được 8 trụ cột tài nguyên văn hóa như: Di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng… Mặc dù chưa tạo ra cơ chế để chuyển hóa nhưng các tổ chức công – tư, các đơn vị nghiên cứu đã tạo động lực để Hà Nội đang chuyển mình ở lĩnh vực thiết kế đã góp phần không nhỏ vào việc tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa tạo nên sự phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa.
PGD.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, Hà Nội cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn, hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, triển khai quyết liệt 6 sáng kiến hành động của Hà Nội đã cam kết với Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, trên thế giới, rất ít thủ đô, thành phố có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Với 5922 di tích lịch sử, văn hóa, 1793 di sản văn hóa phi vật thể và 1350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng các di sản văn hóa, nhiều di sản là những điểm đến thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước. Những di sản này đã, đang và sẽ trở thành nguồn lực không nhỏ, nguồn tài nguyên di sản văn hoá cho sự phát triển các không gian sáng tạo của Thủ đô, tạo nên những tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội.
Còn theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê cũng mong muốn, với danh hiệu Thành phố Sáng tạo thì Hà Nội cần có trung tâm sáng tạo quy mô lớn, ở đó có không gian giải trí, có các tiện ích, có nền tảng công nghệ để mọi người có thể hợp tác, chia sẻ sáng tạo, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác đầu tư. Đặc biệt, Hà Nội cần thúc đẩy hợp tác công tư, thu hút các đơn vị tư nhân đầu tư vào các công trình phục vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa.
Hội thảo đã nghe các đại biểu đề cập đến nguồn lực văn hóa, việc khai thác nguồn lực cho thiết kế sáng tạo, những giải pháp để thúc đẩy phát triển Thành phố sáng tạo, hiện thực hóa các sáng kiến khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO và những cơ chế chính sách của Hà Nội để kế hoạch hành động đạt hiệu quả cao.
Hồng Diên