Văn hóa cơ sở

Nét đẹp hội Vật làng Bùng ngày Xuân

Đã là thông lệ suốt mấy chục năm qua, mỗi người dân làng Bùng, xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) luôn hứng khởi khi Tết đến, Xuân về để được tham dự hội vật của làng từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng.

Hội vật làng Bùng nhằm tưởng nhớ công ơn Thành Hoàng làng Bùng là tướng quân Phùng Thanh Hòa, đời vua Lý Nam Đế. Người có công tập hợp nghĩa sĩ trong vùng luyện tập võ nghệ, giúp vua chống lại giặc Lương và truyền kế sinh nhai, dạy võ vật cho trai tráng làng Bùng.

Hội vật diễn ra kịch tính. Ảnh: Hữu Hưng

Hội vật làng Bùng có lịch sử lâu đời và vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, truyền thống. Tại hội làng, các đô vật tham gia không giới hạn độ tuổi, hạng cân, giới tính, coi trọng tinh thần thượng võ, không nặng tính ăn thua, tranh giành giải thưởng. Trước khi bước vào sới vật, các đô vật phải thực hiện ”xe đài” – một nét văn hóa trong đấu vật của người Việt. Đây là nghi lễ đầu tiên của các đô vật, vừa là một hình thức khởi động thành kính mang tính dân tộc, vừa trình diễn, khoe cơ bắp, độ dẻo dai của mình với đối thủ và khán giả. Các đô vật tranh tài theo thể thức vật cổ truyền, thi đấu đối kháng 1 lèo thường là 2 trận thắng liên tiếp, mỗi trận đấu có thể thi đấu nhiều hiệp, đô vật hạ đo ván đối thủ bất cứ lúc nào thì giành chiến thắng. Luật thắng theo bộ luật cổ “lấm lưng trắng bụng, hoặc nhấc bổng đối phương toàn thân dời khỏi mặt đất”.

Ngoài giải tranh tài của thanh thiếu niên làng Bùng và làng Vĩnh Lộc (xã Phùng Xá). Hội có riêng giải đấu cho VĐV có đẳng cấp, nghĩa là theo học môn vật bài bản hoặc đã tham gia thi đấu chuyên nghiệp. Vì thế, qua nhiều năm tổ chức, hội vật làng Bùng quy tụ được nhiều lứa tuổi thanh thiếu niên ở địa phương tham gia thi đấu, đồng thời quy tụ nhiều đô vật ở các tỉnh, thành, thậm chí cả kiện tướng quốc gia. Ông Nguyễn Văn Tuyền ở xóm Phiên Tư, làng Bùng – người đã nhiều năm dõi theo hội vật cho biết, dù là hội làng nhưng sự kịch tính vẫn luôn có, có những năm các đô vật phá giải đến đêm, đó là cái hay của hội làng Bùng. Trước kia, người thắng cuộc được nhận phần thưởng gồm những vật dụng sản xuất nông nghiệp do chính người dân trong làng làm ra như cái cày, cuốc, xẻng, liềm… Giờ đây, phần thưởng được chuyển đổi thành tiền, ít thì vài trăm nghìn đồng, nhiều đến cả chục triệu đồng. Thậm chí, có nhà tài trợ còn mua xe máy, tivi, tủ lạnh, quạt điện… để thưởng nóng cho các đô vật có miếng vật đặc sắc.

Trẻ em hứng khởi tham gia hội vật. Ảnh: Hữu Hưng

Từ sới vật làng Bùng đã cung cấp cho đội tuyển thành phố và quốc gia hàng chục VĐV, giành được trên 100 huy chương các loại, nhiều VĐV được phong cấp kiện tướng quốc gia. Tiêu biểu như VĐV Vương Văn Thanh, Phùng Khắc Hùng, Nguyễn Bá Nam, Cấn Tất Vinh, Ngô Đình Long… Đặc biệt, VĐV Cấn Tất Dự đã giành Huy chương Đồng giải vật quốc tế, Huy chương Vàng Sea Games 27 (năm 2013); VĐV Phùng Khắc Huy giành Huy chương Vàng Sea Games 31 (năm 2022).

Nhằm duy trì hội làng và hướng đến sự phát triển môn vật, những năm gần đây, phong trào rèn luyện sức khỏe bằng môn vật cổ truyền ở xã Phùng Xá phát triển rộng khắp. Những người có niềm đam mê môn thể thao truyền thống có xu hướng tập hợp thành nhóm, mở câu lạc bộ tập luyện thường xuyên, dưới sự hướng dẫn của các thế hệ đi trước. Xã Phùng Xá cũng được Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Thạch Thất quan tâm tổ chức các lớp tập luyện thường xuyên tạo nguồn cho đội tuyển của thành phố và quốc gia.

Mai Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *