Vui chơi - Giải trí

Sân chơi sáng tạo từ sự tích Thánh Gióng tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Sân chơi Thánh Gióng sẽ được khánh thành nhân dịp Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2023 tổ chức từ ngày 23-29/9/2023 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây cũng là sân chơi có quy mô lớn đầu tiên mà Think Playgrounds phối hợp với Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám lắp đặt tại vườn Giám trong khuôn viên di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Sân chơi được lấy cảm hứng sáng tạo từ sự tích Thánh Gióng

Đây là một thiết kế sân chơi độc đáo với nguồn cảm hứng từ sự tích Thánh Gióng như một nét dân gian văn hóa gắn với di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Một sân chơi công cộng sinh động, sáng tạo dành tặng cho trẻ em tại khu vực Đống Đa nói riêng và Hà Nội nói chung, góp mặt trong sự kiện Hội chợ thiết kế đầu tiên tại Hà Nội. Công trình này cũng là một điểm nhấn để thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng về tầm quan trọng của không gian chơi được thiết kế độc đáo kết hợp với di sản văn hóa giúp cho đô thị sáng tạo và bền vững hơn.

Sân chơi Thánh Gióng được dựa trên câu chuyện chàng dũng sĩ dùng lũy tre làng chống giặc ngoại xâm nổi tiếng mà bất cứ thế hệ trẻ em nào của Việt Nam cùng đều được biết đến. Hình ảnh về ngựa sắt, dấu chân khổng lồ, lũy tre, núi Sóc được tái hiện trong sân chơi. Đặt tại Vườn Giám, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám – vừa là một không gian di sản đặc biệt, vừa là một không gian công cộng xanh mở cửa cho người dân sống xung quanh, sân chơi sẽ trở thành một địa điểm không chỉ cho khách du lịch mà còn là nơi cộng đồng và trẻ em có không gian nghỉ ngơi thư giãn, gặp gỡ và xây dựng các kết nối lành mạnh.

Theo Think Playgrounds, sân chơi chính là không gian “học tập” toàn diện nhất cho trẻ em, nơi các em không chỉ được học một cách chủ động về thể chất, cân bằng tâm lý, hoạt động nhóm, quản lý rủi ro, giao tiếp… mà còn là không gian sáng tạo để các em có thêm hiểu biết về văn hóa truyền thống. Dựa trên một truyện cổ tích, nhóm thiết kế đã chọn các hình tượng tiêu biểu kết hợp với hoạt động chơi để khi trẻ em leo trèo, chui trốn, chơi đùa có thể hòa mình với các ẩn dụ văn hóa.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia sẻ: “Với mong muốn đưa di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám từng bước trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, giáo dục, một không gian sáng tạo của Thủ đô, chúng tôi rất vui khi phối hợp với Think playgrounds tổ chức Sân chơi Thánh Gióng tại vườn Giám của di tích. Đây là sự kết hợp rất thú vị giữa giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện sự sáng tạo của Think playgrounds, hứa hẹn mang lại cho trẻ em, các bạn học sinh tại quận Đống Đa nói riêng và các khu vực khác những trải nghiệm đặc biệt khi đến tham quan di tích”

Sân chơi sẽ trở thành một địa điểm không chỉ cho khách du lịch mà còn là nơi cộng đồng và trẻ em có không gian nghỉ ngơi thư giãn, gặp gỡ và xây dựng các kết nối lành mạnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Heritage Space, cố vấn của Vietnam Design Week nhận định: “Thiết kế trong không gian công cộng dành cho mọi người chưa bao giờ dễ dàng ở các đô thị Việt Nam, do khoảng không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp, phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn và nhu cầu của người dân từ mọi tầng lớp. Sân chơi trong thành phố là một sáng kiến hiếm hoi của lĩnh vực thiết kế công cộng mà Think playgrounds theo đuổi nhiều năm và đạt được sự thành công khi tổng hòa được các mối quan hệ từ chính quyền, cộng đồng, người sáng tạo và người thụ hưởng. Sân chơi Thánh Gióng chắc chắn sẽ là một điểm nhấn sáng trong sự kiện Tuần lễ Thiết kế Việt Nam và Hội chợ Thiết kế đầu tiên này, cũng như là một món quà đầy ý nghĩa dành cho khách tham quan Văn Miếu và dân cư khu vực xung quanh về lâu dài”.

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc sáng tạo Think playgrounds khẳng định: “Thay vì nhấn mạnh yếu tố chiến tranh, thiết bị sân chơi mô tả lại các dấu vết của một truyền thuyết đẹp về sức mạnh của những người bình thường đứng lên bảo vệ vùng đất mà mình yêu quý. Thông qua những biểu tượng đơn giản thân thiện với trẻ em, chúng tôi muốn sự tích sẽ đi vào những ký ức vui vẻ nhưng vẫn đầy kết nối với truyền thống”.

Lương Châu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *