Di sản – Bảo tồn

Đan Phượng nâng cao công tác quản lý hoạt động, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích năm 2024

Nhằm bảo tồn và kế thừa có chọn lọc những tinh hoa, đặc sắc di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa; đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội để bảo tồn di sản, tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp Nhân dân, năm 2024, huyện Đan Phượng triển khai nhiều hoạt động cụ thể trong công tác quản lý hoạt động, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Đan Phượng là địa phương có số lượng di tích lớn với 155 di tích, trong đó có 01 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 37 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 38 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn năm 2024, huyện đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa, hoàn thành kiện toàn Ban quản lý di tích cấp xã, Tiểu ban quản lý di tích ở cơ sở; Xây dựng kế hoạch nâng hạng, xếp hạng di tích; Tổ chức kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục kiểm kê di tích trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

Đẩy mạnh công tác phát huy giá trị di tích. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ lập phương án bảo tồn, đầu tư tu bổ, tôn tạo theo từng loại hình, giá trị và mức độ xuống cấp của di tích, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo theo định hướng phát triển của huyện. Rà soát các di tích xuống cấp, có dấu hiệu xuống cấp để khảo sát lập hồ sơ đề nghị bổ sung danh mục đầu tư trung hạn thực hiện tu bổ, tôn tạo. Chú trọng các di tích Quốc gia đặc biệt, di tích xếp hạng cấp Quốc gia và Thành phố, di tích cách mạng kháng chiến và những di tích gắn với di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Thực hiện Lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, cập nhật, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; hợp tác, nghiên cứu với các tổ chức nước ngoài nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; biên soạn các ấn phẩm về di tích trên địa bàn huyện theo loại hình, giá trị di tích.

Đặc biệt, huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện Giai đoạn 2 Đề án Lập hồ sơ khoa học hệ thống di vật, cổ vật và biên dịch tư liệu Hán Nôm tại 22 di tích xếp hạng cấp Quốc gia tại các xã Hồng Hà, Liên Hà, Liên Trung, Tân Lập, Trung Châu, Phương Đình nhằm phát huy giá trị, phát triển du lịch và phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống. Xây dựng hồ sơ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; giới thiệu điểm đến di tích; biển chỉ dẫn, trang web, mã QR Code về di tích; xây dựng trang thông tin điện tử (360 độ) nhằm giới thiệu tổng thể hệ thống di tích trên địa bàn Thành phố, tạo sự lan tỏa tới nhiều tỉnh thành trong nước và các quốc gia trên thế giới. Triển khai thực hiện Dự án Số hoá và thực hiện giao diện ảnh 16 di tích cấp Quốc gia tại các xã Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp, Hạ Mỗ và Phương Đình.

Cùng với đó, huyện cũng chú trọng công tác kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm; kiên quyết và kịp thời xử lý các sai phạm về tu bổ di tích; có phương án khắc phục, không để tái diễn tình trạng xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích không phép, sai phép tại các địa phương.

Bảo Hân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *