Hà Nội đẹp

Nhiều mô hình, cách làm hay trong triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

“Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” được các cấp, ngành triển khai thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là việc đăng ký, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở…

Nội dung chính của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm 05 nhóm tiêu chí:

  1. Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ
  2. Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình
  3. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương
  4. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép
  5. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ

Năm 2019, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Thành phố đã chọn phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) và xã Phú Cường (huyện Ba Vì) để triển khai thực hiện. Năm 2021, thành phố thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất để làm căn cứ triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo. ​Qua thời gian triển khai thí điểm và thực hiện nhân rộng trên địa bàn thành phố từ năm 2022, “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” được các cấp, ngành triển khai thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là việc đăng ký, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô.

 Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Hội nghị tọa đàm cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Qua triển khai thí điểm và nhân rộng việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhờ đó, nhận thức và hành động của người dân chuyển biến mạnh mẽ đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng thật sự là tổ ấm của mỗi người; Là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Giáo dục bắt đầu từ thế hệ trẻ

Với quan điểm “việc giáo dục ứng xử, lối sống phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, đặc biệt từ lứa tuổi thiếu nhi”, Liên đội Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình đã triển khai một số biện pháp giáo dục thiếu nhi tìm hiểu và thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Cô giáo Ngô Minh Hường, Tổng phụ trách Đội – Liên đội Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình cho biết, bản thân cô đã áp dụng một số biện pháp hiệu quả như lồng ghép tiêu chí văn hóa ứng xử trong gia đình vào chương trình giảng dạy. Trong các giờ sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ Hai đầu tuần theo chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, các em thiếu nhi đều được giáo dục lối sống yêu thương, trách nhiệm. Bên cạnh đó, cô cũng tăng cường tổ chức buổi giao lưu, thảo luận và nhóm tranh luận; Sử dụng mô phỏng hoặc trò chơi đóng vai để giúp thiếu nhi hiểu rõ hơn về các tình huống giao tiếp và ứng xử trong gia đình.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID-19, các thầy cô giáo đã tổ chức giao lưu trực truyến với các em thiếu nhi thông qua nền tảng Zoom. Tại buổi giao lưu, các em được khuyến khích chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm khi các em có bố hoặc mẹ phải vắng nhà do tham gia công tác phòng, chống dịch. Các em thiếu nhi đã biết thêm những cách thể hiện tình yêu thương, lòng biết ơn, sự quan tâm đến ông bà, bố mẹ không chỉ qua lời nói mà còn thông qua những hành động cụ thể.

Vai trò gương mẫu của người cao tuổi trong gia đình

Người cao tuổi giữ vị thế quan trọng trong mỗi gia đình. Vai trò của người cao tuổi trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử gia đình thể hiện rõ nét qua các phong trào “Tuổi cao – Gương sáng”, “Người cao tuổi nêu gương sáng, xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình tứ đại đồng đường”, “Gia đình văn minh, hạnh phúc”, “Gia đình, dòng họ khuyến học”…Từ các phong trào, trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều gia đình đã xây dựng, duy trì được lối sống mẫu mực, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Tiêu biểu như gia đình cựu giáo chức Nguyễn Trà (phường Phương Liên, quận Đống Đa) – một tấm gương tiêu biểu hiện nay của dòng họ hiếu học danh tiếng đã có bề dày 600 năm sống tại kinh thành Thăng Long.  Nhà giáo Nguyễn Trà là anh cả trong gia đình 10 anh, chị, em và cũng là “đầu tàu” gương mẫu về tinh thần hiếu học cho các em, các con, cháu, chắt noi theo. Bản thân nhà giáo Nguyễn Trà là người có công lớn biên soạn và cho xuất bản 8 tác phẩm có giá trị cho văn học lịch sử nước nhà, trong đó có tác phẩm “Quân Thần Luận” có một không hai của lịch sử trị nước do Cụ Tổ Phúc Thần Đại Vương Nguyễn Hy Quang biên soạn trình Chúa Trịnh. Dù đã trên 90 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Trà vẫn miệt mài với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài cho thế hệ tương lai. . Với phương pháp dạy khoa học độc đáo, một mình ông đã bồi dưỡng tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 12 và cả kiến thức ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp cho sinh viên đại học, thậm chí rất nhiều người ở mọi lứa tuổi trước khi đi xuất khẩu lao động hay học tập, công tác nước ngoài cũng đến nhờ ông dạy ngoại ngữ. Hay gia đình bà Đỗ Thị Dụ, phố Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông.Gia đình 4 thế hệ, 39 thành viên với cách nghĩ, cách sống khác nhau, song mọi người luôn tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ cũng như cổ vũ, khích lệ mọi người tham gia các hoạt động xã hội, từ phong trào văn hóa – văn nghệ, vệ sinh cảnh quan, môi trường…đến tham gia công tác hòa giải, đóng góp cho phong trào phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở.

Đề cao vai trò của thanh niên

Đưa Bộ tiêu chí vào cuộc sống, các cấp bộ Đoàn quận Cầu Giấy đã đề cao vai trò của thanh niên. Ông Hoàng Văn Sướng, Phó Bí thư Thường trực Quận đoàn Cầu Giấy cho biết, các cấp bộ đoàn quận Cầu Giấy hướng đến vận động các gia đình trẻ trong thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thành phố; Xây dựng các mô hình Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” tại các khu dân cư, duy trì hiệu quả các Câu lạc bộ Tiền hôn nhân”, thực hiện phong tràoXây dựng gia đình văn hóa hạnh phúc”, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”…Tổ chức 6 buổi sinh hoạt bằng hình thức họp, tọa đàm …tại các nhà sinh hoạt cộng đồng với 420 người tham gia. Với các nội dung nêu bật được: Tiêu chí ứng xử trong gia đình là Tôn trọng – Bình đẳng – Yêu thương – Chia sẻ. Quyền và trách nhiệm của người làm vợ, làm chồng; Ông bà, cha mẹ gương mẫu, yêu thương, động viên – rèn luyện cho con cháu.

Phát huy các giá trị đạo đức, lối sống

Trên địa bàn thành phố có nhiều gia đình điển hình về phát huy các giá trị đạo đức, lối sống để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh như:  Gia đình ông Lê Văn Nhân ở quận Thanh Xuân, gia đình ông Lê Nguyễn Mạnh Sơn ở quận Ba Đình, gia đình bà Đặng Thị Hiền ở quận Bắc Từ Liêm.. là các gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống thuận hòa, hạnh phúc. Hay như gia đình ông Nguyễn Đình Chú ở quận Cầu Giấy là gia đình tri thức, hiếu học; gia đình bà Nguyễn Thị Thỏa ở Đông Anh dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; gia đình bà Lê Thị Thúy ở quận Thanh Xuân làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình Nguyễn Văn Đức, tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề, quận Long Biên.

Ông Nguyễn Văn Đức, Tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề, quận Long Biên chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Gia đình ông Nguyễn Văn Đức “nổi tiếng” bởi nền nếp gia phong. Gia đình ông với 12 người, 3 thế hệ, trong đó có 8 người trong một mái nhà tại phường Bồ Đề chung sống hạnh phúc nhiều năm qua nhờ phương châm “người lớn phải gương mẫu”. Gia đình ông coi trọng những bữa cơm, những dịp sum họp gia đình. Những dịp đó, các thông điệp về giá trị của gia đình, về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, cách ứng xử văn minh, tiến bộ … được chia sẻ  nhẹ nhàng, mưa dầm thấm lâu. Đặc biệt, mỗi lần xem ti vi, đọc báo thấy có nội dung liên quan , các thành viên trong  gia đình ông lại sôi nổi bàn luận, từ đó rút kinh nghiệm, nhắc nhở con cháu cùng thực hiện, để từng bước điều chỉnh thái độ, cách ứng xử hài hòa và đúng mực hơn. Thành viên nào có ứng xử chưa phù hợp, sẽ được nhắc nhở, chấn chỉnh ngay; cá nhân nào có ứng xử đúng sẽ được động viên, khen ngợi.

Minh Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *