Triển lãm

“Bia đá kể chuyện”: Tôn vinh giá trị nội dung và nghệ thuật của 82 bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Ngày 16/01/2025, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” tại khu vườn bia Tiến sĩ trong khuôn viên di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây là hoạt động thiết thực mừng xuân Ất Tỵ 2025, kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2025) và hướng tới kỷ niệm 950 năm khoa thi Nho học đầu tiên (1075 – 2025).

Đại biểu tham quan triển lãm

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám khẳng định: Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di sản vô cùng quý giá mà cha ông ta đã để lại. Đây là minh chứng cho truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”, là biểu tượng cho trí tuệ Việt Nam từ thế kỷ thứ 15-18. Tháng 3/2010, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tháng 7/2011, 82 bia tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu. Và năm 2022, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc tử Giám đã thực hiện trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” giới thiệu 14 bia Tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi giai đoạn 1442-1529. Tiếp nối thành công của trưng bày “Bia đá kể chuyện” năm 2022, trong không khí chào đón xuân Ất Tỵ 2025, kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2025) và hướng tới kỷ niệm 950 năm khoa thi Nho học đầu tiên (1075 – 2025), Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc tử Giám tổ chức trưng bày “Bia đá kể chuyện” lần 2 khai thác giá trị nội dung và nghệ thuật của toàn bộ 82 bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám để công chúng hiểu rõ hơn về những giá trị di sản tư liệu đặc biệt của bia Tiến sĩ.

Ông Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu tại lễ khai mạc

Trưng bày gồm 4 chủ đề chính: “Chiêu mộ hiền tài”: giới thiệu một số nét chính về giáo dục khoa cử Nho học của nước ta. “Con đường khoa cử”: giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt. “Gương sáng tiền nhân”: giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và một số lĩnh vực khác. Và “Tài hoa nghệ thuật”: Cảm nhận bàn tay tài hoa và thế giới quan phong phú của những nghệ nhân tạo tác bia Tiến sĩ.

Cũng theo Ban tổ chức, địa điểm thực hiện lần này được lựa chọn chính là không gian vườn bia Tiến sĩ, trưng bày được đặt gần những tấm bia nhằm tạo hiệu quả cao về thị giác và tâm lý, làm cho công chúng được tiếp cận gần hơn với bia tiến sĩ, từ đó cảm nhận sâu hơn về những nội dung tư liệu hiện hữu cũng như khám phá điều ẩn chứa trong những tấm bia đá. Để thấy được giá trị của 82 tấm bia đá đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ gói gọn trong nội dung văn bia viết bằng chữ Hán và những hoa văn trang trí trên diềm bia mà ẩn chứa trong đó là hàng nghìn câu chuyện thú vị về 1.304 vị Tiến sĩ cũng như 82 khoa thi kéo dài trong thời gian 4 thế kỷ được kể một cách trực quan, sinh động.

“Thông qua trưng bày này, chúng tôi hi vọng sẽ cung cấp cho công chúng tham quan một góc nhìn mới, gần gũi và đầy tính khám phá về bia Tiến sĩ và giáo dục khoa cử nước ta” – ông Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh thêm.

Ông Trương Quốc Toàn, Trợ lý giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam), người ấp ủ và thiết kế dự án trưng này này chia sẻ thêm: “Trước đây, đến với Văn Miếu, đi qua Khu vườn Bia Tiến sĩ này, tôi luôn quan sát xem khách tham quan khi vào đây sẽ ứng xử với các 82 tấm bia tiến sĩ này như thế nào. Và tôi thấy rằng, họ chỉ dừng lại một lát, chụp hình và đi tiếp. Nhưng đối với tôi, 82 tấm bia này là 82 pho sử đá về lịch sử, truyền thống khoa bảng của Việt Nam dưới thời quân chủ. Khi chứng kiến khách du lịch đi qua như thế, tôi thấy luyến tiếc vì dường như 82 pho sử này chưa bao giờ được mở ra… Chính vì thế, tôi thấy rằng 82 bia Tiến này này cần có một không gian diễn giải về nội dung của bia Tiến sĩ để ít nhất du khách đến đây họ hiểu rằng trên bia Tiến sĩ viết những gì, hoa văn trên bia thể hiện điều gì và những thông điệp mà tiền nhân gửi gắm lại cho hậu thế là gì… Và điều chúng tôi mong muốn sau trưng bày này, khách tham quan khi đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ còn lặng lẽ đi qua hàng bia Tiến sĩ mà sẽ dừng lại và tìm hiểu kỹ hơn, qua đó một cách tự nhiên sẽ tăng thời gian lưu lại di tích của các du khách. Đó cũng là một phần trong chiến lược phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội, làm sao kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Hà Nội. Thay vì trước kia du khách chỉ lưu lại di tích khoảng 30 phút thì sau này có thể sẽ là nửa ngày, bởi những thông tin mà họ có thể tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm được sẽ dày dặn hơn”.

BTC hi vọng du khách tham quan sẽ hiểu hơn về giá trị nội dung và nghệ thuật của 82 bia Tiến sĩ thông qua trưng bày

Cũng trong khuôn khổ hoạt động trưng bày còn diễn ra nhiều hoạt động dành cho các du khách như các khu vực viết thư pháp; trải nghiệm làm lều chõng đi thi cùng nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ, Hà Nội); trải nghiệm tự tay in các hoạ tiết trên bia Tiến sĩ, vẽ tranh tô màu hoạ tiết bia Tiến sĩ cùng với họa sĩ Hùng Anh.

Các hoạt động trải nghiệm trong khuôn khổ trưng bày

Vy Vy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *