Lễ hội

Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian đương đại lần đầu tiên

Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ hội này nhằm tôn vinh, giới thiệu tới người dân Thủ đô, du khách về văn hóa dân gian đương đại và di sản văn hóa của Thủ đô.

Lễ hội nhằm tôn vinh, giới thiệu tới người dân Thủ đô, du khách về văn hóa dân gian đương đại và di sản văn hóa của Thủ đô. Ảnh: Internet.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 1/10/2019 về tổ chức lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019. Sự kiện hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XV (23/11/2005-23/11/2019) và hưởng ứng sự kiện thành phố Hà Nội ứng cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019 nhằm tôn vinh và giới thiệu tới người dân Hà Nội và du khách khắp mọi miền đất nước cũng như du khách quốc tế về văn hóa dân gian đương đại và di sản văn hóa của Thủ đô, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống trong xã hội đương đại.
Lễ hội sẽ được tổ chức trong 3 ngày (từ 15 đến 17/11) tại nhiều điểm thuộc không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với các hoạt động quảng bá, tôn vinh di sản.

Bên cạnh lễ khai mạc, tại Lễ hội còn có nhiều hoạt động hấp dẫn khác. Khu vực trưng bày sẽ giới thiệu các làng nghề thủ công truyền thống và sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ, phát huy giá trị trong đương đại như nghề gốm Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái… Khu vực này tạo những không gian văn hóa giới thiệu các sản phẩm và ứng dụng của nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống đương đại. Lễ hội cũng giới thiệu không gian mỹ thuật dân gian trong đời sống đương đại.

Tại Lễ hội sẽ có không gian trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân dân gian. Ảnh minh hoạ: Internet.

Người dân và du khách có thể tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và những nỗ lực bảo tồn, phục hồi các dòng tranh dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoảng, tranh Đông Hồ; dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải… do các nghệ nhân, phụ nữ và trẻ em khuyết tật tái hiện lại những bức tranh dân gian, phong cảnh và di sản văn hóa Thủ đô; tranh gốm và tranh ghép gốm sứ; tranh thêu tay…

Tại đây sẽ có không gian để du khách trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân dân gian. Trong khuôn khổ Lễ hội cũng diễn ra hoạt động trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại, giới thiệu về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể do các nghệ nhân, nghệ sĩ… tham gia biểu diễn như: Ca trù, múa bài bông, hát xẩm…

Thuỳ Minh

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *