Sáng 5/10, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Lễ ra mắt Trưng bày “Khúc ca khải hoàn”, chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022).
Tới dự có Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – Trưởng ban đại diện Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội; ông Trần Khâm – Phó Trưởng ban liên lạc toàn quốc Chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, Phó Trưởng ban đại diện Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Tiến Hà – Ủy viên Thường trực Ban đại diện Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội, Trưởng ban liên lạc Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò; các nhân chứng lịch sử là các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ từng tham gia tiếp quản Thủ đô năm 1954; cán bộ, chiến sỹ E30, Trung đoàn 600 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ)…
Trưng bày “Khúc ca khải hoàn” tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những năm kháng chiến gian khổ; gợi nhớ cuộc trở về với biết bao cảm xúc, niềm vui của 68 năm trước khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô. Trưng bày cũng thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn những người con đã hy sinh vì Thủ đô thân yêu.
Trưng bày gồm 3 nội dung: “Bền bỉ kháng chiến”, “Ngày về chiến thắng” và “Hà Nội của ta”.
Nội dung “Bền bỉ kháng chiến” khẳng định, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Không từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp lập tức quay trở lại nổ súng đánh chiếm Nam Bộ. Trung ương Đảng và Chính phủ đã thực hiện các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm giữ vững độc lập dân tộc, tranh thủ thời gian củng cố lực lượng kháng chiến nhưng “Càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã kiên cường, bền bỉ chiến đấu. Sau 60 ngày đêm giam chân địch trong lòng thành phố, các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô tạm biệt Hà Nội với lời thề “Ra đi hẹn một ngày về”. Khi tái chiếm Hà Nội, thực dân Pháp thực thi chế độ quân quản, đàn áp phong trào kháng chiến. Nhiều cán bộ, bộ đội, du kích đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cơ sở. Các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên vẫn bùng lên mạnh mẽ. Nhiều cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên bị địch bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò, nhưng tất cả đều chung một niềm tin là Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù.
Các đại biểu nghe giới thiệu nội dung Trưng bày “Khúc ca khải hoàn”.
Nội dung “Ngày chiến thắng” nhấn mạnh, sau những năm kháng chiến gian khổ, ngày về chiến thắng đã không còn xa. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Trước khi rút khỏi Thủ đô, thực dân Pháp tìm mọi cách phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo đồng bào di cư vào Nam, trì hoãn việc trao trả tù binh. Lực lượng tự vệ, công nhân với thái độ kiên quyết, đúng mực, có lý lẽ đã ngăn chặn hiệu quả sự phá hoại, lôi kéo của địch. Đầu tháng 10/1954, đội Hành chính và đội Trật tự tiến hành bàn giao các cơ quan, công sở, công trình công cộng. 16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Lực lượng tiếp quản đã đảm bảo tính mạng, giữ vững cơ sở vật chất, phối hợp với các đoàn thể vận động Nhân dân Hà thành chuẩn bị cho ngày giải phóng Thủ đô. Sáng sớm ngày 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa kết thúc, đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về.
Nội dung “Hà Nội của ta” thể hiện, sau ngày giải phóng, Nhân dân Hà Nội tiếp tục vượt qua khó khăn để tạo dựng cuộc sống mới. Vừa dựng xây Thủ đô, vừa kháng chiến chống Mỹ nhưng người Hà Nội vẫn vươn lên bằng niềm tin son sắt vào Đảng, vào chân lý bất diệt “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. 68 năm trôi qua kể từ ngày tiếp quản Thủ đô, hơn 30 năm tiến hành đổi mới, đời sống người dân và bộ mặt Thủ đô có nhiều thay đổi. Hà Nội đang vươn cao với quyết tâm xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhưng ký ức về Thủ đô anh hùng vẫn còn mãi với thời gian. Những địa điểm được tiếp quản ngày ấy giờ trở thành “chứng nhân” lịch sử, gợi nhớ những thời khắc không thể nào quên. Những thế hệ công dân Thủ đô sinh sau Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, dù không được chứng kiến những giây phút hào hùng, nhưng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh và sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Hà Nội – Thủ đô anh hùng – Thành phố vì hòa bình.
Tái hiện không khí hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
Tại Lễ ra mắt Trưng bày, Ban Tổ chức đã tái hiện hình ảnh các bà mẹ và các cô gái trong trang phục áo dài thướt tha đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về; trong không gian Trưng bày rực rỡ cờ hoa, đại biểu cùng hát vang bài hát “Tiến về Hà Nội” của Nhạc sĩ Văn Cao.
Được tham dự Trưng bày “Khúc ca khải hoàn” nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đại tá Dương Niết – Nhân chứng lịch sử tham gia tiếp quản Thủ đô chia sẻ: “68 năm trôi qua, mỗi năm cứ đến ngày này, đặc biệt là khi được xem những hình ảnh tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội, tôi bồi hồi xúc động như được sống lại năm tháng hào hùng đó…”.
Gặp gỡ Đại tá Dương Niết – Nhân chứng lịch sử tham gia tiếp quản Thủ đô.
Trưng bày “Khúc ca khải hoàn” ra mắt vào 8h30 ngày 5/10/2022 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Số 1, phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Thảo Nhi