Chiều ngày 12/9, Bảo tàng Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ vận động hiến tặng, tiếp nhận và công bố kết quả vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội năm 2018 với số lượng 1.017 tư liệu, hiện vật tính đến ngày 10/9/2018.
Tham dự buổi lễ có ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các tổ chức, cá nhân đã hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội trong thời gian qua.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội về việc đẩy nhanh tiến độ trưng bày dự án Bảo tàng Hà Nội, trong năm 2018 trên cơ sở Đề cương tổng quát và phân bổ không gian; Đề cương trưng bày chi tiết và Kịch bản thuyết minh nội dung, giải pháp trưng bày (điều chỉnh) đã được phê duyệt, Bảo tàng đã triển khai kế hoạch tuyên truyền vận động hiến tặng tài liệu hiện vật rộng khắp tới các tầng lớp nhân dân.
Bảo tàng Hà Nội tổ chức các nhóm làm việc chủ động khảo sát, thu thập và tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tâm huyết, trách nhiệm với bảo tàng và di sản Thủ đô. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác sưu tầm để kịp thời phục vụ cho thiết kế chi tiết trưng bày thường xuyên và thi công trong năm 2019.
Ngay từ đầu năm 2018, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức một đợt tiếp nhận hiện vật hiến tặng để vinh danh các cá nhân có tấm lòng yêu quý di sản Thủ đô, những tấm lòng vàng của bao cá nhân đã góp cho Bảo tàng Hà Nội nhiều tài liệu, hiện vật quý, rất nhiều hiện vật có giá trị kinh tế lớn và không ít hiện vật có sức lan tỏa tinh thần dân tộc sâu rộng.
Từ tháng 5 đến tháng 8/2018, Bảo tàng Hà Nội đã vận động tiếp nhận đưa về Bảo tàng gần 1.000 hiện vật trong tổng số 1.065 hiện vật còn thiếu so với thiết kế và đề cương kịch bản, phục vụ kịp thời cho công tác thiết kế, trưng bày chi tiết của Bảo tàng Hà Nội.
Nhóm hiện vật sưu tầm theo kịch bản nội dung giải pháp trưng bày của Bảo tàng Hà Nội tập trung cho những hiện vật liên quan đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, cuộc sống của người dân Hà Nội đầu thế kỷ 20, những hiện vật thời kỳ Pháp thuộc. Đây là nhóm hiện vật vừa có giá trị về văn hóa, vừa có giá trị về kinh tế hiện đang nằm trong tay các nhà sưu tập tư nhân. Như gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm sinh sống tại xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội – một gia đình có truyền thống 4 đời làm thanh đồng, vẫn giữ được rất nhiều hiện vật quý. Gia đình đã hiến tặng lại cho Bảo tàng 140 hiện vật và các giá hầu đồng, có những bộ trước năm 1945 và thời bao cấp như bộ đồ hầu đồng của Đạo mẫu được sử dụng từ thời ông ngoại và một số đồ dùng hầu đồng thời kỳ sau này.
Các hiện vật về làng nghề, phố nghề cũng được tập trung triển khai sưu tầm, đặc biệt là những nghề truyền thống tránh mai một và thất truyền gợi nhớ đến một Thăng Long – Hà Nội với 36 phố phường.
Nghệ nhân Quách Văn Trường sinh năm 1932, ông là người đầu tiên phát động lại phong trào khôi phục lại làng nghề chạm bạc Định Công. Gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường đã hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội bộ bàn chế tác và bộ đồ nghề đậu bạc mà cha nghệ nhân Quách Văn Trường là cụ Quách Văn Hội và chính nghệ nhân Quách Văn Trường cũng đã từng sử dụng. Đây là 1 trong những hiện vật rất có ý nghĩa sẽ được Bảo tàng trưng bày trong chuyên đề Làng nghề – Phố nghề Thăng Long – Hà Nội…
Toàn bộ những hiện vật, tư liệu mà Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận được trong đợt này có giá trị văn hóa, tinh thần, minh chứng cho sự phát triển của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử.
Trân trọng và ghi nhận những tấm lòng ấy, chiều 12/9, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức Lễ vận động và tiếp nhận hiện vật hiến tặng để vinh danh các tổ chức, cá nhân đã có đóng góp trong việc gìn giữ di sản và công tác trưng bày của Bảo tàng Hà Nội. Đồng thời công bố, giới thiệu các tư liệu và hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng trong thời gian vừa qua. Đó là những hiện vật thể hiện tình yêu Hà Nội của các tổ chức, cá nhân cống hiến cho ngành văn hóa Thủ đô.
Ông Nguyễn Tiến Đà – GĐ Bảo tàng Hà Nội đã gửi lời cảm ơn đến các tổ chức, cá nhân đã hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng trong suốt thời gian qua và khẳng định: “Bảo tàng Hà Nội cùng những nhân chứng, những tài liệu, hiện vật sẽ kể lại cho mọi người dân câu chuyện về một Hà Nội đau thương nhưng đầy tự hào và hi vọng. Hành trình các hiện vật về với Bảo tàng Hà Nội là hành trình từ trái tim đến trái tim của những người yêu di sản. Hành trình đó có sự luyến tiếc bởi các kỷ vật đã gắn với ký ức của các bác, các anh, các chị cũng như của gia đình và dòng họ. Những tài liệu, hiện vật đó đến với Bảo tàng Hà Nội sẽ cùng nhau kết nối những câu chuyện, ký ức của các bác, các anh, các chị thành những câu chuyện kể đầy ý nghĩa về Hà Nội, để chúng ta luôn tự hào rằng chúng ta đã sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này”.
Một số hình ảnh về các tài liệu, hiện vật được công bố tại buổi lễ:
Hân Hân
Theo MaskOnline