Sáng 22/10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm "Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội" với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân sinh hoạt tại các CLB ca trù trên địa bàn Hà Nội. Đồng chí Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì buổi tọa đàm.
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các nghệ nhân ca trù
Năm 2009, UNESCO đã vinh danh, công nhận ca trù của Việt Nam được xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Cùng với niềm tự hào, các giáo phường ca trù Hà Nội đã nỗ lực hết mình nhằm từng bước đưa ca trù thoát khỏi tình trạng khẩn cấp. Đó là tín hiệu đáng mừng bởi Hà Nội là địa phương "sở hữu" nhiều di sản ca trù nhất trong cả nước.
Hà Nội là một trong những địa phương trong cả nước bước đầu đã có sự quan tâm chăm lo cho hoạt động bảo tồn ca trù từng bước phát triển, mặc dù còn gặp rất nhiều khá khăn. Trong 6 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Liên hoan ca trù mở rộng (Liên hoan ca trù lần 2), tổ chức hội thảo tọa đàm về giải pháp bảo tồn Ca trù trên địa bàn Hà Nội, bước đầu có hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho các CLB hoạt động. Tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2014, Sở đã nỗ lực tổ chức cho các CLB tham gia, đoàn Hà Nội là đơn vị có số lượng CLB hoạt động đông nhất và là đơn vị đạt nhiều giải nhất trong liên hoan. Hiện nay, Hà Nội đang có 3 điểm thường xuyên biểu diễn ca trù hàng tuần là Bích Câu đạo quán, đền Quán Đế, đình Kim Ngân… thu hút đông đảo người xem.
Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn nghệ nhân ca trù trong suốt quá trình chuẩn bị và tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội lập hồ sơ xét tặng nghệ nhân di sản phi vật thể nói chung và ca trù nói riêng. Đến nay, Hà Nội là địa phương có nhiều nghệ nhân được xét tặng nhất cả nước. Trong 39 nghệ nhân được Hội đồng xét tặng danh hiệu cấp Nhà nước đã thông qua có 17 nghệ nhân ca trù.
Hiện nay, Hà Nội có 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động, trong đó hoạt động sôi nổi là Câu lạc bộ ca trù Hà Nội (ở đình Kim Ngân), CLB ca trù Thái Hà (27 Thụy Khuê), CLB ca trù Thăng Long (87 Mã Mây), CLB ca trù Lỗ Khê (Đông Anh), CLB Đồng Trữ (Chương Mỹ), Ngãi Cầu (Hoài Đức), Chanh Thôn (Phú Xuyên)… Việc thực hành di sản ca trù ở Hà Nội hiện nay đang có nhiều thay đổi tích cực với 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành, hàng trăm người theo học… Các CLB còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ và mới sáng tác thêm 18 làn điệu mới biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách. Tuy vậy, trong những năm qua, bên cạnh sự cố gắng bước đầu của ngành văn hóa và thể thao, để có thể đưa ca trù ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp chúng ta còn cần phải nỗ lực, có biện pháp và hành động cụ thể hơn nữa.
Phần trình diễn của ca nương Bạch Vân trong buổi tọa đàm
Trước những khó khăn và thách thức đặt ra hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân ca trù nhằm xây dựng Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Ca trù, giai đoạn 2016- 2020. Tại buổi tọa đàm, đa phần các ý kiến đều nhất trí rằng, việc làm cần thiết nhất hiện nay là Hà Nội cần phải tiếp tục sưu tầm, bổ sung đầy đủ các thể cách ca trù; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận bởi những nghệ nhân có khả năng truyền dạy; Tạo điều kiện về địa điểm sinh hoạt thường xuyên cho CLB ở địa phương; Nâng cấp, đầu tư một số điểm biểu diễn ca trù phục vụ khách tham quan và du lịch; Đưa ca trù vào đời sống cộng đồng, trường học; Xây dựng chính sách đãi ngộ tôn vinh các nghệ nhân, hỗ trợ cho các câu lạc bộ; Tổ chức liên hoan ca trù Hà Nội theo định kỳ 2 năm/lần; Tăng cường hoạt động giao lưu của các câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước…
Thanh Mai