Nếp Sống văn hoá

Biết quan tâm và chia sẻ

Trong lòng chị, trào dâng một niềm vui sướng, xúc động. Con gái chị đã lớn thật rồi. Không chỉ cao lớn hơn mẹ, nó còn biết quan tâm, chia sẻ với người bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần nhân ái, thương người như thể thương thân ấy là đạo lý tốt đẹp của dân tộc mà chị thấy mỉnh cũng phải có trách nhiệm vun đắp, khích lệ.

Lớp 7C có thêm bạn mới. Hà vẫn nhớ như in buổi đầu tiên bạn ấy đến lớp. Một bạn gái có thân hình nhỏ bé, da ngăm đen, nhưng ấn tượng hơn cả là mái tóc dài chấm eo, dầy và đen láy. Đôi mắt bạn ấy cũng đen nhưng đượm buồn, lúc nào cũng nhìn xuống dưới đất. Hình như bạn ấy biết cả lớp đang nhìn mình nên càng thêm bối rối, luống cuống, đánh rơi cả cặp sách xuống đất. Trong lớp, có tiếng xì xào:

– Cái cặp rách rồi kìa?

–  Sao da lại đen thế nhỉ?

– Không biết học có giỏi không?

…Những tiếng xì xào im bặt khi thấy cô Huyền, giáo viên chủ nhiệm bước vào lớp.

– Cô chào các em. Từ hôm nay, lớp chúng ta có thêm một thành viên mới. Đó là bạn Trần Thị Ngọc. Ngọc sẽ ngồi cạnh Hà. Cả lớp chúng mình sẽ cùng yêu thương, quan tâm đến Ngọc nhé bởi bạn mới từ Yên  Bái đến. Hà giúp bạn nắm vững nội quy của trường, lớp nhé…

Quay sang Ngọc, cô Huyền nói tiếp:

– Ngọc à, từ hôm nay, đây sẽ là ngôi nhà thứ 2 của em. Có điều gì chưa hiểu, em cứ mạnh dạn hỏi cô và các bạn trong lớp. Đừng ngại ngần gì cả…

Biết quan tâm, chia sẻ với bạn có hoàn cảnh khó khăn là nét đẹp văn hóa cần nhân rộng

Được cô giáo phân công giúp Ngọc, Hà vui lắm. Em tận tình nói cho bạn nghe về ngôi trường mà chúng đang học. Về lớp 7C thân yêu, học giỏi, hoạt động văn nghệ sôi nổi, nhưng cũng nhiều trò nghịch ngợm. Giờ ra chơi, Hà tranh thủ dẫn Ngọc đi một vòng xung quanh trường. Em thấy tự tin về những kiến thức có được về lịch sử ngôi trường, về vùng đất nơi chúng đang đứng. Ngọc lắng nghe với niềm hào hức làm nó càng thêm vui. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, Ngọc cũng dần dà bạo dạn hơn.

Nhiều học sinh đã hình thành ý thức nuôi lợn tiết kiệm để ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo

Người ta bảo, trẻ con dễ làm quen, làm thân. Hà và Ngọc cũng vậy. Phần bởi vì ngồi cạnh nhau, phần bởi Ngọc ở với người họ hàng gần nhà Hà. Chẳng mấy chốc, hai đứa trở nên thân thiết. Qua những câu chuyện của Ngọc, Hà thấy rất thương bạn. Bố Ngọc mới mất vì bệnh ung thư. Nhà có 4 miệng ăn mà chỉ trông vào mẹ Ngọc nên rất khó khăn. Vì vậy, Ngọc được một người họ hàng đón về ở cùng. Bà đã gần 70 tuổi, hàng ngày bán hàng rau ngoài chợ, kinh tế không dư dả gì nhưng được cái rất yêu thương Ngọc. Chính vì khó khăn nên bà cũng chỉ mua cho Ngọc được 2 bộ đồng phục. Một bộ đồng phục hàng ngày, một bộ đồng phục thể thao. Ngọc vẫn dùng cặp sách từ năm lớp 5.

Hà đang nhẩm tính một kế hoạch.. Cái vỗ vai cùng câu hỏi của Ngọc làm Hà giật mình:

– Này, cậu nghĩ gì mà mặt nghệt ra thế?

– Tớ không nghĩ gì đâu.

Tối hôm ấy, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, Hà nói với mẹ:

– Mẹ ơi, con có việc muốn xin ý kiến mẹ ạ?

– Con nói đi, mẹ đang nghe đây.

– Con muốn xin phép mẹ mổ lợn tiết kiệm!

Chị Thái ngạc nhiên. Đó là con lợn đựng tiền chị thưởng cho con mỗi lần được điểm 9, điểm 10 để động viên con học tập.

– Sao lại mổ lợn? Trước năm học, mẹ bảo con mổ lợn để mua gì thì mua, con bảo không thiếu gì, để dành đến Tết mới mổ cơ mà!

– Chuyện là thế này mẹ ạ. Bạn Ngọc, cái bạn mà con dẫn về nhà mình chơi mấy lần rồi ấy, hoàn cảnh lắm mẹ ạ. Bạn ấy vẫn dùng cặp sách cũ đi học, Chiếc cặp bị rách rồi, nên nhiều lúc rơi cả bút ra ngoài. Con xin mẹ mổ lợn để lấy tiền mua ba lô và một chiếc hộp bút tặng bạn. Nếu thiếu, con xin mẹ trừ vào tiền thưởng của năm học này. Mẹ nhé!

Chị Thái ôm chặt con gái vào lòng. Chị cũng đã gặp Ngọc vài lần khi cô bé đến nhà trao đổi bài vở với Hà. Chị thấy Ngọc học giỏi, lễ phép, ngoan ngoãn. Trong lòng chị, trào dâng một niềm vui sướng, xúc động. Con gái chị đã lớn thật rồi. Không chỉ cao lớn hơn mẹ, nó còn biết quan tâm, chia sẻ với người bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần nhân ái, thương người như thể thương thân ấy là đạo lý tốt đẹp của dân tộc mà chị thấy mỉnh cũng phải có trách nhiệm vun đắp, khích lệ.

– Tất nhiên là mẹ đồng ý rồi. Con gái yêu ạ. Nếu thiếu tiền mẹ sẽ bù, không phải trừ vào tiền thưởng đâu.

– Con cám ơn mẹ! Nhân tiện mai con đem cho bạn mấy bộ quần áo đồng phục năm ngoái mẹ mua cho con nhé. Bạn ấy thấp, bé hơn con nên chắc là vẫn mặc vừa mẹ ạ.

– Ừ, mai con nhớ mang cho bạn. Còn bây giờ, con mổ lợn đi rồi hai mẹ con mình cùng đi mua cặp và hộp bút cho bạn! Con nhớ là mang đến nhà tặng bạn, đừng tặng trên lớp kẻo bạn ngại nhé.

Hà nhảy chân sáo ra chỗ để con lợn đất với nụ cười trên môi. Em biết, Ngọc sẽ rất vui khi nhận món quà nhỏ mà em tặng.

Nguyễn Tâm

 

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *