Ngày 3/8, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 đã chủ trì buổi kiểm tra việc triển khai, thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU tại Quận ủy Cầu Giấy.
Nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch
Theo báo cáo của quận Cầu Giấy, sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, quận đã thu được nhiều kết quả, tạo được những chuyển biến cơ bản trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, góp phần vào nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Các nhiệm vụ của Chương trình 06 đã được quận Cầu Giấy triển khai thực hiện một cách toàn diện, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đề ra (với 7/10 chỉ tiêu vượt mức), góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của quận, đời sống tinh thần của Nhân dân được nâng cao, phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng. Các kế hoạch, đề án nhánh cơ bản được triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ (đã có 02 kế hoạch, 05 đề án được ban hành và triển khai). Công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như các nhiệm vụ chính trị của quận, truyền tải đầy đủ thông tin tới Nhân dân.
Cụ thể, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các chỉ tiêu về văn hóa đều hoàn thành vượt chỉ tiêu: Năm 2021: tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 93,7%, tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 90,79%, có 68 đơn vị được UBND Thành phố công nhận lại “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”. Năm 2022: tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 92,59%, tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 93,86%; có 02 đơn vị được công nhận lần đầu “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”.
Hiện trên địa bàn quận có 325 thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó: cấp quận có 03 thiết chế văn hóa; cấp phường có 322 thiết chế (08 trung tâm văn hóa – thể thao, nhà văn hóa; 204 nhà họp, điểm sinh hoạt cộng đồng; 04 thiết chế thể thao; 106 điểm tập luyện thể thao ngoài trời), đồng thời đẩy mạnh khai thác các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nhà họp, sân chơi tổ dân phố phục vụ sinh hoạt của Nhân dân, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn trong những năm qua, với tổng kinh phí hơn 105 tỷ đồng cho 15 dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn cũng góp phần củng cố, phát triển hệ thống công trình phục vụ nâng chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở, trong khi đó việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng ngày càng được nâng cao.
Toàn quận có 50 di tích được UBND Thành phố đưa vào danh mục kiểm kê; 38/50 (chiếm 76%) di tích được xếp hạng các cấp (16 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 22 di tích xếp hạng cấp Thành phố). Quận đã chỉ đạo thực hiện tu bổ, tôn tạo 09 di tích trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí 122,293 tỷ đồng.
Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn được đẩy mạnh. Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, phát triển văn hóa đọc cũng được duy trì thường xuyên và hoạt động có hiệu quả. Nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh ở quận Cầu Giấy ghi nhận sự phát triển đa dạng mô hình văn hóa sáng tạo, phù hợp, tác động tích cực tới đời sống văn hóa nhân dân, như: Mô hình Giáo dục truyền thống “Làng khoa bảng, đất tứ danh hương”; mô hình “Câu lạc bộ văn hóa gia đình”; mô hình “Cầu thang văn hóa”…
Trong công tác giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển toàn diện cả bề rộng lẫn chiều sâu, trong đó các nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; hiện đại hóa cơ sở vật chất; phân luồng và định hướng nghề nghiệp cũng như giáo dục đạo đức, lối sống, thể chất cho học sinh… góp phần giữ vững thành tích một trong những đơn vị dẫn đầu thành phố về chất lượng giáo dục. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm thực hiện, đã có 172 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 35.652 lượt học viên được tổ chức; 65 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc được tuyển dụng trong đó có 12 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa về công tác tại các nhà trường…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quận Cầu Giấy cũng nếu ra những tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn quận còn thấp; Số di tích xếp hạng cấp Thành phố chưa hoàn thành theo chỉ tiêu đề ra; Hệ thống nhà họp tổ dân phố, nhà sinh hoạt cộng đồng còn thiếu, nhiều nhà họp diện tích nhỏ, chưa đáp ứng được với quy mô tổ dân phố hiện nay.
Phát huy lợi thế, nguồn lực hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu đề ra
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn kiểm tra đã nêu ý kiến về các nội dung đã được Quận ủy Cầu Giấy triển khai tại Chương trình 06/Ctr-TU trong thời gian qua; chỉ ra những thành tựu cũng như các vấn đề cần tăng cường sáng kiến, giải pháp từ nay đến cuối giai đoạn 2021-2025 nhằm đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ về đích đúng hạn, như quận Cầu Giấy phấn đấu đạt từ 80-85% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; 100% tổ dân phố có nhà họp, nhà sinh hoạt cộng đồng cũng như có giải pháp khai thác hiệu quả công trình văn hóa… Trong đó cũng nhấn mạnh, Cầu Giấy là một trong những địa bàn có thế mạnh phát triển nội dung số, quận cũng cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Cầu Giấy còn có tiềm năng trở thành điểm đến mua sắm cùng với lợi thế có 2 bảo tàng Thiên nhiên và Dân tộc học đang rất thu hút khách du lịch. Cùng với đó, quận cũng cần đẩy mạnh các hoạt động, các không gian sáng tạo, nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh hoạt động du lịch học đường nhằm phát huy giá trị các di sản trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, quận Cầu Giấy có công tác chỉ đạo bài bản khoa học, quyết liệt hai Chương trình 06 và 09 của Thành ủy. Đặc biệt, quận triển khai mô hình điểm rất sáng tạo như các mô hình phát triển văn hóa, gia đình văn hóa, đặc biệt là Gia đình hiếu học, tổ dân phố khuyến học, dòng họ khuyến học là điểm sáng trong cả nước… Cầu Giấy cũng là địa phương tiêu biểu trong phong trào văn hóa đọc, đi vào chiều sâu, chạm vào chỉ tiêu rất cụ thể. Cầu Giấy là một điểm đến quốc tế cho các sự kiện văn hóa, thể thao.
Tham góp ý kiến tại buổi kiểm tra, đồng chí Trần Thị Vân Anh đề nghị quận tiếp tục phân tích, nhận diện rõ hơn để tập trung vào các điểm sau: Rà soát, nâng cao việc thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình 06; Có kế hoạch phát huy giá trị các thiết chế văn hóa, chủ động lập các tư liệu để đề nghị xếp hạng các di tích; Có kế hoạch quản lý, lập hồ sơ khoa học, tìm kiếm tư liệu để phục dựng các lễ hội… Đồng chí Trần Thị Vân Anh mong muốn là quận Cầu Giấy sẽ đưa các công viên trở hiện nay thành công viên mỹ thuật phục vụ triển lãm, mỹ thuật. Song song với đó, quận tiếp tục tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế; Quan tâm đến các không gian sáng tạo để đóng góp cho thành phố sáng tạo; Nhân rộng các mô hình khuyến học, phát triển văn hóa đọc, giáo dục lịch sử tại địa phương…
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy đề nghị quận Cầu Giấy tiếp tục giữ vững thành tích trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, với phương châm đầu tư cho văn hóa phải ngang bằng với kinh tế cũng như tương xứng với yêu cầu đặt ra; chú trọng xây dựng các mô hình văn hóa gắn với hai quy tắc ứng xử;… Đồng chí cũng đề nghị quận Cầu Giấy có những dự báo tốt về tốc độ gia tăng dân số cơ học trên địa bàn để cân đối, triển khai các nhiệm vụ của Chương trình 06. Để làm được điều đó, quận cần rà soát quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa, giáo dục; Tham gia, phối hợp để điều chỉnh quy hoạch các công trình…, tiếp tục huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, quản lý sau đầu tư các thiết chế văn hóa, tránh lãng phí nguồn lực, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của Nhân dân.
Vy Vy