“Chân trần chí thép” – Khơi dậy những phút giây hào hùng của dân tộc
Sáng 18/4, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân trần chí thép”
Sáng 18/4, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân trần chí thép” nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2018); 64 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2018); 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018).
Với 4 nội dung: Theo dấu chân Người, Từ trong tù ngục, Chân trần chí thép và Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, trưng bày là dịp để mọi người được sống lại những phút giây hào hùng của lịch sử dân tộc; được trở về cuộc sống đầy khốc liệt của chiến tranh.
Theo dấu chân Người là nội dung mở đầu của trưng bày, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Người được thể hiện bằng hành động và lời nói giản dị hàng ngày, trở thành di sản cho các thế hệ người Việt Nam “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 01/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì luyện tập. Còn công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc…”.
“Chất thép” của những chiến sỹ cách mạng kiên cường bừng sáng. “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, họ đã biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện, đào tạo ra lớp lớp cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho cách mạng Việt Nam được thể hiện trong nội dung thứ hai: Từ trong tù ngục. Nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Khám Lớn, Lao Thừa Phủ… chính là những “trường học đặc biệt”, giúp họ trưởng thành và trở thành những nhà cách mạng kiên trung, có tầm nhìn chiến lược, biết nắm vững, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, một lòng đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, học hỏi có chọn lọc từ đồng đội, đồng chí của mình để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân và trở thành những vị tướng “Nhân – Trí – Dũng”. Chính họ đã góp phần viết nên lịch sử rạng rỡ từ điểm hẹn Điện Biên Phủ năm 1954, đến khúc khải hoàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Chân trần chí thép là nội dung thứ ba, giới thiệu những “Vị tướng trong lòng dân” như: Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Hoàng Văn Thái… họ là những học trò xuất sắc của Chủ tích Hồ Chí Minh; là những người văn, võ song toàn; những nhà tham mưu chiến lược, cầm quân tài tình, chỉ huy nghiêm khắc; nhưng vẫn hết mực thương yêu chiến sỹ, gần gũi nhân dân. Họ là những người tiên phong, sẵn sàng xả thân trên chiến trường và lan tỏa chí thép đến toàn quân.
Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc Việt Nam, những người con ưu tú với “chân trần” đã bước vào cuộc chiến với kẻ thù bằng “chí thép”. “Chí thép” ấy đã kết tinh và bùng cháy thành sức mạnh phi thường, giúp họ vượt qua mọi gian nan, đạp bằng mọi thử thách, để cuối cùng, giành lại độc lập, hạnh phúc cho nhân dân. Nhắc đến họ là nhắc tới những chiến công vang dội mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (30/4/1975).
Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam là nội dung cuối của trưng bày thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam: kiên cường chiến đấu, lập nên những chiến thắng vĩ đại, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những chiến công ấy được tạc vào lịch sử và những giây phút xúc động sẽ không phai mờ trong tâm trí của người dân đất Việt. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là niềm tự hào, điểm tựa tinh thần để các cán bộ, chiến sỹ, hun đúc thêm ý chí, quyết tâm phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Với hơn 250 hình ảnh, hiện vật trưng bày, những câu chuyện thời chiến càng thêm chi tiết, sống động. Qua đó mỗi người sẽ càng thêm thấu hiểu sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh; bồi đắp hơn nữa niềm tự hào dân tộc, tôi luyện cho mình thêm ý chí, hoài bão để cùng nhau góp sức đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.