Thể Thao

Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Theo thông tin từ Cục Thể dục Thể thao, ngày 15/10, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp

Đó là một trong những mục tiêu chung được đề ra trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, Chiến lược cũng hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.

Theo đó, phong trào thể dục, thể thao cho mọi người phát triển rộng khắp, trong đó số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên theo tiêu chí quy định đạt trên 45% dân số; trên 90% học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; hầu hết các đơn vị hành chính cấp xã cho đến địa bàn ở cơ sở và khu dân cư có câu lạc bộ thể thao cơ sở.


Đến năm 2045, phong trào thể dục, thể thao phát triển đồng đều, đa dạng trong các đối tượng, địa bàn; hình thành thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên trong Nhân dân; trên 95% học sinh, sinh viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; tầm vóc của thanh niên Việt Nam đạt ở mức cao trong khu vực.

Đối với thể thao thành tích cao, duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD; trong đó phấn đấu đạt từ 05 đến 07 huy chương vàng tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á. Đến năm 2045, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam trong tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.

Mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia hiện đại, đủ điều kiện đăng cai ASIAD, trong đó ít nhất 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế; 100% đơn vị hành chính cấp huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; 100% đơn vị hành chính cấp xã có công trình thể thao; 100% trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông có công trình thể thao.

Hà Nội là một trong những địa phương có phong trào tập luyện thể dục, thể thao phát triển sâu rộng trong nhân dân.

Hoạt động kinh tế thể thao có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó giai đoạn 2025-2030 tăng trưởng mạnh về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh thể dục, thể thao và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thể dục, thể thao. Thị trường thể thao phát triển, kinh tế thể thao đạt mức tăng trưởng hằng năm cao, từng bước đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.

9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp được đề ra

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Chiến lược cũng đã đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải cần cần thực hiện trong giai đoạn tới. Cụ thể là các nhiệm vụ, giải pháp đối với thể dục, thể thao cho mọi người; thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; hợp tác quốc tế; thông tin, truyền thông; thể chế, pháp luật; khoa học công nghệ, y học thể thao; nguồn lực phát triển; kinh tế thể thao và ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Thành Lâm

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *