Lễ hội Bơi chải thuyền rồng Hà Nội là một trong các hoạt động nhằm cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Hà Nội và Vietnam Airlines về việc phát triển văn hóa, thể thao, du lịch của Thủ đô.
Từ lâu, bơi chải đã trở thành môn thể thao đậm giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời ghi lại lịch sử oanh liệt của cha ông ta hàng nghìn năm trước. Theo sử sách nước ta, Lễ đua bơi chải xuất hiện từ hơn 1.000 năm nay, khi vua Lý Thái Tổ vừa mới dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Thời phong kiến, với quốc gia nhiều sông nước, truyền thống đánh thủy đã trở thành thế mạnh tuyệt đối của quân đội nước Việt, như các chiến công của Ngô Quyền, Lê Hoàn (thế kỷ X), các cuộc hành quân đánh Chiêm Thành, đến Trần Hưng Đạo ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông (thế kỷ XIII).
Nhằm gìn giữ môn thể thao truyền thống của dân tộc, ngày nay, Lễ hội bơi chải thuyền rồng được nhiều địa phương khác trên khắp cả nước tổ chức mỗi độ Xuân về. Lễ hội diễn ra còn được gắn với tục thờ các vị thần cai quản sông, biển, hay các danh tướng có tài đánh thủy. Đây là hình ảnh đặc trưng, độc đáo của những người đi biển nhằm cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên biển lặng trong năm để ngư dân ra khơi đánh cá đầy khoang, làm ăn phát đạt.
Tại các địa phương như, Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn… (Hải Phòng) lễ hội bơi chải thuyền rồng được tổ chức vào khoảng tháng 4, 5 dương lịch hằng năm khi kết thúc vụ cá Bắc mở đầu vụ cá Nam.
Tại Cà Ná, Ninh Thuận, Lễ hội đua thuyền trở thành hoạt động văn hóa tinh thần, không thể thiếu của người dân vùng biển khi mỗi độ Tết đến, Xuân về. Hay ở Nghệ An, Lễ hội đua thuyền rồng truyền thống ở Đền Quả Sơn, huyện Đô Lương được tổ chức để tỏ lòng biết ơn công đức của Hoàng tử Uy Minh Vương, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ. Lễ hội này diễn ra luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia với số lượng lên đến hàng nghìn người.
Còn ở Hà Nội, hiện cũng có rất nhiều cuộc thi bơi chải được tổ chức vào dịp đầu năm mới, như ở làng Đăm (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm), làng Lưu Xá (Chương Mỹ)… Tuy nhiên các cuộc thi mới được tổ chức ở quy mô làng xã.
Nhằm góp phần khôi phục và gìn giữ các môn thể thao truyền thống của dân tộc, từ năm 2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp cùng với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đơn vị thực hiện là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ hội Bơi chải thuyền rồng Hà Nội. Đây là một trong các hoạt động nhằm cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Hà Nội và Vietnam Airlines về việc phát triển văn hóa, thể thao, du lịch của Thủ đô.
Lễ hội Bơi chải thuyền rồng Hà Nội đã trở thành sự kiện thường niên quảng bá văn hóa, lịch sử thành phố, tạo điểm nhấn thu hút du khách tới Thủ đô Hà Nội và tạo sân chơi dành riêng cho những người có đam mê với môn thể thao đua thuyền. Theo Ban tổ chức, Lễ hội Bơi chải thuyền rồng Hà Nội sẽ được diễn ra định kỳ hàng năm vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Điều này, sẽ tạo cho mọi người nhớ tới như là lễ hội đầu năm của Hà Nội. Và với tính định kỳ này, các hãng hàng không, Sở Du lịch Hà Nội và các công ty lữ hành sẽ chủ động trong việc xây dựng tour du lịch gắn với lễ hội.
2019 là năm thứ hai Lễ hội Bơi chải thuyền rồng được diễn ra. Ở lần đầu tiên, sự kiện chỉ có sự tham gia chủ yếu từ những VĐV không chuyên đến từ 27 đội của quận, huyện TP Hà Nội và tỉnh, thành bạn, thì ở lần thứ hai này, Lễ hội đã được nâng tầm quy mô thành Hà Nội mở rộng. Sự kiện năm nay thu hút gần 500 tay chèo thuộc 35 đội của 25 đoàn trong nước và quốc tế tham gia tranh tài, được chia thành 2 nhóm đấu. Nhóm chuyên nghiệp gồm các đội thi quốc tế đến từ Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Lào và các đội thi tỉnh, thành Việt Nam. Các đội sẽ tranh tài tại vòng loại và vòng chung kết ở nội dung thuyền 12 nam và thuyền 12 nữ trong ngày 16/2.
Nhóm phong trào gồm các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố tranh tài ở nội dung thuyền 12 nam và thuyền 12 nữ với vòng loại diễn ra ngày 16/2 và vòng chung kết ngày 17/2. Nhóm phong trào gồm các Đại sứ quán, cơ quan, doanh nghiệp tranh tài ở nội dung thuyền 12 hỗn hợp nam, nữ trong ngày 17/2.
Nét mới ở giải năm nay đó là, Lễ hội thu hút 8 đội phong trào gồm thành phần là nhân dân Thủ đô, tổ chức, đoàn thể, các hội cựu sinh viên phối hợp cùng các đại sứ quán Hà Nội tham gia. Điều này cho thấy, phần nào giải đã thu hút được đông đảo các thành phần tham gia nhằm gìn giữ nét đẹp của môn thể thao truyền thống này.
Bơi chải không chỉ là cuộc đua của sức mạnh mà còn là môn thi của tinh thần tập thể. Bởi, mỗi thuyền đua có đến 12 người, nên để giành chiến thắng, mỗi chải bơi phải khổ công rèn luyện để có sức khỏe dẻo dai và có tính đồng đội cao trong thi đấu. Do đó, việc Lễ hội lần này thu hút tới 8 đội phong trào, có thể nói đây là sự thành công rất lớn của Thủ đô khi đứng ra tổ chức lễ hội.
Hi vọng, sau lễ hội này, khối phong trào sẽ còn phát triển hơn nữa để cùng chung tay gìn giữ môn thể thao đậm giá trị văn hóa của dân tộc.
Ngoài gìn giữ giá trị của môn thể thao truyền thống, đến với Lễ hội, người dân Thủ đô và du khách còn được hòa mình vào các chương trình nghệ thuật truyền thống như hát chèo văn, đội trống nhạc, sân khấu tổ chức chương trình cho các cổ động viên… trong suốt thời gian cuộc đua, hứa hẹn đem đến bầu không khí lễ hội sôi động trong dịp Xuân mới.
Lễ hội Bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2019 diễn ra từ 9h đến 16h các ngày 16 và 17/2 tại khu vực Hồ Tây và mở cửa miễn phí cho công chúng.
Thành phần tham gia:
– Quốc tế: Malaysia, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Lào;
– Các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận;
– Các quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Trì, Ứng Hòa;
– Các đại sứ quán, cơ quan, doanh nghiệp: Đại sứ quán và cựu sinh viên Thụy Điển, Hội cựu sinh viên Anh, Hội cựu sinh viên Mỹ, Vietnam Airlines, Ngân hàng BIDV, CLB Đua thuyền Hồ Tây.
Tổng giá trị giải thưởng 800 triệu đồng.Ngọc Đức
Theo MaskOnline