Tin ngành

Đảng uỷ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức quán triệt Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Sáng 04/11, Đảng ủy cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, triển khai Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu về cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 07/8/2023 của Thường vụ Thành ủy; đồng thời quán triệt Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tháng 10 năm 2024.

Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; Bí thư, Phó Bí thư các chi bộ trực thuộc; Chi ủy các Chi bộ trực thuộc; Ban chấp hành các đoàn thể và cán bộ, công chức các phòng quản lý Nhà nước.

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở đã quán triệt các nội dung quan trọng Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Cụ thể, Chỉ thị đề ra 7 yêu cầu bao gồm: Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp. Lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và Đại hội Đảng bộ cấp trên. Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy. Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm giải trình… Có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ “sót” những người thật sự có đức, có tài… Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ cấp trên. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền…

Quang cảnh Hội nghị

Đại hội Đảng bộ các cấp thực hiện 4 nội dung: Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025-2030. Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp. Bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030. Bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ cấp trên. Chỉ thị cũng nêu rõ là những nơi thực sự có khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý, thì đại hội với 3 nội dung, chưa tiến hành bầu cấp ủy khóa mới.

Chuẩn bị văn kiện đại hội và tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện: Chỉ thị quy định dự thảo văn kiện của cấp ủy trình đại hội gồm hai báo cáo chủ yếu là báo cáo chính trị của Đảng bộ và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy. Việc xây dựng và đóng góp ý kiến vào văn kiện phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc; có hình thức phù hợp, thiết thực để lấy ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ nguyên lãnh đạo, giới trí thức, nhà khoa học, chuyên gia và ý kiến tham gia, góp ý, hiến kế của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Có kế hoạch tuyên truyền về dự thảo báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội, để đại hội thảo luận, quyết định. Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy dân chú, trí tuệ, đề cao trách nhiệm của đại biểu.

Về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy: Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89 ngày 4/8/2017; Quy định số 214 ngày 2/01/2020 của Bộ Chính trị khóa XII và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cấp ủy các cấp căn cứ vào yêu cầu, tiêu chuẩn chung nêu tại chỉ thị này để cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình, đặc điểm ở cấp mình theo quy định.

Về những điểm mới trong Chỉ thị số 35-CT/TW: Cơ bản thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân ở các cấp. Thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện (địa phương có quy mô hợp lý; nhân sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao; được ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh đồng ý).

Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên trong mỗi nhiệm kỳ. Thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy các cấp và phấn đấu thực hiện trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy.

Tiếp tục thực hiện phân công, bố trí công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác đối với các đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Bí thư chi bộ, Giám đốc Thư viện Hà Nội phát biểu, trao đổi tại Hội nghị

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 đã điều chỉnh một số nội dung mới, cụ thể:

Về tiêu chuẩn chung cấp ủy viên các cấp có nhấn mạnh thêm một số tiêu chuẩn, trong đó: Cán bộ được giới thiệu để bầu tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội (chức vụ cao hơn), nhìn chung phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm (24 tháng); trường hợp đặc biệt có thời gian giữ chức vụ ít nhất là 1 năm (12 tháng), do cấp ủy có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định.

Về độ tuổi lần đầu tham gia và tái cử cấp ủy: Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên. Những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Cán bộ tái cử cấp ủy thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 18 tháng trở lên (thời điểm tính tuổi là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp, thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức theo quy định).

Về cơ cấu cấp ủy:

– Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương gắn với việc sử dụng, bố trí hài hòa nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; hoàn thành 100% ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác.

– Mỗi đồng chí trong thường trực cấp ủy cấp tỉnh cơ bản không giữ quá 2 chức danh trong các chức danh lãnh đạo tỉnh, thành phố: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

– Phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỉ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện; dưới 40 tuổi đối với cấp xã) từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ).

Về số lượng ủy viên ban thường vụ cấp huyện, cấp xã:

– Đối với cấp huyện: Số lượng ủy viên ban thường vụ cấp huyện từ 11 đến 13 đồng chí; đối với huyện đảo thì không quá 9 đồng chí. Định hướng cơ cấu ban thường vụ cấp huyện tương tự như tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

– Đối với cấp xã: Số lượng ủy viên ban thường vụ cấp xã không quá 5 đồng chí. Định hướng bố trí cơ cấu ban thường vụ cấp ủy, gồm: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân, chủ tịch hội đồng nhân dân, trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc do ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh cụ thể hóa và chỉ đạo ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định cơ cấu cụ thể cho thống nhất và phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với những đảng bộ cấp xã, cấp huyện thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập theo quy định của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập có thể nhiều hơn số lượng nêu tại Chỉ thị nhưng tối đa không quá tổng số lượng hiện có của các đảng bộ trước khi hợp nhất (không bao gồm các đồng chí đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác hoặc chuyển công tác khác) và chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày thành lập đảng bộ mới, thì số lượng phải thực hiện theo quy định nêu tại Chỉ thị.

Về quy trình nhân sự cấp ủy, gồm: Quy trình giới thiệu nhân sự tái cử cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư cấp ủy và Quy trình giới thiệu nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư cấp ủy. Trong đó, quy trình giới thiệu nhân sự tái cử chỉ thực hiện theo 2 bước (khác so với Chỉ thị trước đây thực hiện theo 5 bước).

Ngày 18/9/2024, Đảng ủy cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội các chi, đảng bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2025- 2027, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhiệm kỳ 2025- 2030. Theo đó, các nội dung, việc chuẩn bị văn kiện đại hội và việc tổ chức thảo luận, công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy; cơ cấu, số lượng đại biểu và việc bầu đại biểu dự đại hội cấp trên của Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027, Đại hội Đảng bộ bộ phận Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT nhiệm kỳ 2025- 2030 và Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao nhiệm kỳ 2025- 2030 sẽ được thực hiện theo đúng quy định. Thời gian tiến hành Đại hội các chi bộ không quá 1 ngày, bắt đầu từ tháng 1 năm 2025, hoàn thành trước ngày 30/3/2025. Đại hội Đảng bộ bộ phận Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT nhiệm kỳ 2025- 2030, thời gian tiến hành đại hội không quá 1 ngày, hoàn thành trước ngày 30/4/2025. Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao nhiệm kỳ 2025- 2030 diễn ra không quá 2 ngày, hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở đã quán triệt nội dung cơ bản cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng Sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan biên soạn, xuất bản. Cuốn sách gồm 928 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, ghi lược, trả lời phỏng vấn, thư… của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Nội dung các bài phát biểu, các bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đồng chí cố Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập; tạo nguồn lực nội sinh, huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cuốn sách không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà quan trọng hơn là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tích hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, những bài phát biểu, bài viết của người đứng đầu Đảng ta về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam, về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho sự phát triển – sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; về giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sỹ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa; gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Nghiên cứu, học tập nội dung cuốn sách của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa trong triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thay mặt Đảng ủy Sở, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Trần Thị Vân Anh đã phát động toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Văn hóa và Thể thao tích cực tham gia cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu về cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”  của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuộc thi được tổ chức nhằm thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nắm vững những nội dung cơ bản, cốt lõi trong cuốn sách; quán triệt, phổ biến những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Thời gian tổ chức Cuộc thi bắt đầu từ ngày 14/10/2024 đến hết ngày 17/11/2024, gồm 05 tuần thi: Tuần thứ nhất: từ ngày 14 – 20/10/2024; Tuần thứ hai: từ ngày 21 – 27/10/2024; Tuần thứ ba: từ ngày 28/10 – 03/11/2024; Tuần thứ tư: từ ngày 04 – 10/11/2024; Tuần thứ năm: từ ngày 11-17/11/2024. Để tham gia, người dự thi truy cập địa chỉ https://thitructuyen, sachquocgia.vn/ trên Cổng Thông tin điện từ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử có link liên kết Cuộc thi.

Tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở đã thông báo nhanh kết quả thực Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 07/8/2023 của Thường vụ Thành ủy về việc đề cao kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Sau gần 1 năm triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, các địa phương, đơn vị đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý cũng đã được đúc rút nhằm đề cao kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Mai Hoàng

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *