Tận dụng những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới hoạt động, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã tiên phong trong tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, xứng đáng sứ mệnh “đi trước, mở đường”.
Năm 2021, Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ là đơn vị đi đầu trong phát hành Bản tin nội bộ hằng tháng theo hình thức quét mã QR-tích hợp với triển khai lấy phiếu thăm dò ý kiến nhằm giúp cán bộ, đảng viên thuận tiện nắm bắt tình hình, còn người dân thì tiếp cận nhanh hơn các chỉ đạo từ quận đến cơ sở.
Phát động Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của thành phố Hà Nội”. |
Chia sẻ tại “Tọa đàm Chuyển đổi số trong hệ thống Tuyên giáo Thủ đô”, bà Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ cho rằng, đây là hướng đi mới trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Từ những kết quả đạt được qua việc tích hợp lấy phiếu thăm dò bằng quét mã QR, Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ tiếp tục lấy ý kiến người dân qua nhóm Zalo về các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính”, bà Tịnh thông tin.
Cũng tại cuộc Tọa đàm này, bà Đinh Thị Lan Duyên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đánh giá, chuyển đổi số trong ngành tuyên giáo là công việc khó, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập, nhưng không thể chậm trễ.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ, năng lực thiết bị, xác định các mục tiêu hệ sinh thái số ngành Tuyên giáo cần hướng đến, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chủ động xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số với các mục tiêu và giải pháp cụ thể.
Trong đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nhân rộng mô hình áp dụng vào các nhiệm vụ công tác tuyên giáo, góp phần tiêu chuẩn hóa, quy trình hóa nghiệp vụ, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thành đoàn Hà Nội đã tận dụng hiệu quả mạng xã hội Facebook để tuyên truyền. |
Trên cơ sở đó, cán bộ, công chức, nhân viên Ban Tuyên giáo Thành ủy tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tham mưu, phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực công tác tuyên giáo nhằm tăng cường chỉ đạo, định hướng tuyên truyền toàn diện các mặt đời sống chính trị, xã hội, tình hình Thủ đô, trong nước và quốc tế.
Hệ thống tuyên giáo của Thủ đô đã tích cực vào cuộc triển khai. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Hoàng Mai cho biết, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng phần mềm Zoom và hệ thống mạng xã hội như Zalo, Viber… để tổ chức họp trực tuyến, cũng như chủ động cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội trên địa bàn.
Trong khi đó, Fanpage Thành đoàn Hà Nội, Fanpage các tổ chức Hội cấp thành phố và Mô hình “Vùng xanh trên không gian mạng” với 579 nhóm cộng đồng dân cư do Đoàn quản lý xây dựng các chuyên mục như: “Tuổi trẻ Thủ đô tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, “Chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”, “Khát vọng cống hiến-Lẽ sống thanh niên”;…
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết, đơn vị đã kết nối và chỉ đạo 100% Fanpage hoặc Facebook các cơ sở Đoàn trực thuộc tích cực chia sẻ các tin, bài tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tạo thành hệ thống tuyên truyền rộng lớn và xuyên suốt, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, bài bản và lan tỏa . Trung bình các bài viết trên Fanpage cấp Thành phố có hơn 15.000 lượt tiếp cận, bài viết, tương tác tích cực từ người dùng mạng xã hội.
Tận dụng triệt để hiệu quả của mạng xã hội
Ngày 1/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Lễ phát động Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của thành phố Hà Nội”.
Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị trên nền tảng thi trực tuyến tại địa chỉ www.tuyengiaothudo.vn |
Hội thi lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn Thành phố, đã lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ nội dung, tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đến quảng đại quần chúng; tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhất là các tầng lớp nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Hà Nội cũng như phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đáng chú ý, vòng sơ khảo Hội thi diễn ra trong bốn tuần (từ ngày 1 đến 31/8/2022), trên nền tảng thi trực tuyến tại địa chỉ www.tuyengiaothudo.vn. Thí sinh tham gia dự thi bằng cách truy cập vào website của hội thi tại địa chỉ: www.tuyengiaothudo.vn, đăng ký tài khoản và tham gia thi. Hội thi là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, góp phần đưa nghị quyết của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống; đồng thời cũng cho thấy tiến trình chuyển đổi số của ngành Tuyên giáo Thủ đô bước đầu gặt hái được những thành công.
Theo bà Đinh Thị Lan Duyên, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai một số giải pháp chuyển đổi số dựa trên các trụ cột: Trang bị kỹ năng số, phương tiện số và văn hóa số; chuyển hầu hết các hoạt động chuyên môn lên không gian số. Xây dựng các phần mềm tổ chức Hội thi tìm hiểu, bài thu hoạch bằng hình thức online, sau khi học tập, nghiên cứu các nghị quyết, văn bản của Đảng; cập nhật lý luận, kiến thức mới, sinh hoạt chính trị, các ấn phẩm lịch sử Đảng lên hạ tầng kỹ thuật số.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Anh cho biết, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai một số giải pháp chuyển đổi số của công tác tuyên giáo như xây dựng các phần mềm bài thu hoạch bằng hình thức online, sau khi học tập, nghiên cứu các nghị quyết, văn bản của Đảng, cập nhật lý luận, kiến thức mới; nâng cao hiệu quả của việc khai thác thư viện điện tử, tiếp tục số hóa đưa các ấn phẩm lịch sử truyền thống của địa phương lên hạ tầng kỹ thuật số.
Trong khi đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ đề xuất trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai nhiệm vụ công tác tuyên giáo tại cơ sở. Đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng và triển khai đồng bộ hệ thống thông tin tuyên giáo Thủ đô trên nền tảng số như: Phần mềm điểm báo, điểm báo theo chuyên đề, phần mềm điều tra dư luận xã hội, sổ tay đảng viên điện tử. Đồng thời, số hóa tài liệu lưu trữ, dữ liệu lịch sử của Đảng bộ thành phố và các quận, huyện để phục vụ công tác nghiên cứu, tra cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương…
Tại “Tọa đàm Chuyển đổi số trong hệ thống Tuyên giáo Thủ đô”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, các cấp, các ngành cần tận dụng triệt để hiệu quả của hệ thống mạng xã hội, sự phối hợp giữa các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố trong tuyên truyền các chủ trương của thành phố đến với người dân.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, để việc chuyển đổi số thành công, ngành Tuyên giáo Thủ đô cần đi đầu trong công tác này, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các thăm dò, điều tra xã hội học để đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên giáo hiện nay.