Sau một thời gian dài tạm đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã mở cửa đón khách trở lại. Tính từ ngày 15/2 đến nay, trung bình mỗi ngày cuối tuần, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đón 500 – 700 lượt khách, trong đó có nhiều khách là học sinh, sinh viên đến tham quan. Đặc biệt, chỉ riêng ngày cuối tuần gần nhất, Di tích đã đón tới hơn 1.000 lượt khách mỗi ngày.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò chuẩn bị chu đáo đón khách trở lại. Nguồn internet
Để sẵn sàng đón khách an toàn, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thường xuyên có các buổi tập huấn trong thời điểm nghỉ dịch. Ban Quản lý Di tích luôn đặt phương án phòng, chống dịch lên hàng đầu, thường xuyên phun khử khuẩn, phun thuốc muỗi xung quanh Di tích. Đồng thời có những phương pháp phòng, chống dịch như mở thêm một lối phía sau để khách đi vào một đường và ra một đường; chuẩn bị máy đo thân nhiệt, máy rửa tay tự động trước cổng ra vào, yêu cầu khách tham quan phải quét mã QR Code khai báo y tế trước khi vào trong Di tích.
Phương án phòng, chống dịch được đặt lên hàng đầu. Nguồn internet
Để chuẩn bị đón khách quốc tế, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò có kênh thuyết minh tự động với 7 ngôn ngữ. Du khách tham quan tại các địa điểm trên sẽ được cấp chiếc máy thuyết minh kèm theo bản chỉ dẫn các di tích, hiện vật trên từng mã số. Du khách muốn tìm hiểu lịch sử về hiện vật hay di tích nào thì bấm vào mã số, máy sẽ tự động thuyết minh. Thiết bị này được nối vào tai nghe, tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, con người, mảnh đất, hiện vật…cùng những câu chuyện xúc động, tự hào.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò – “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của Thủ đô. Nguồn internet
Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò cũng xây dựng kế hoạch khôi phục lại chương trình tham quan, trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa”, tổ chức từ 19 giờ các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Chương trình là lời tri ân đối với công lao, đóng góp, sự hy sinh to lớn của các nữ chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò (giai đoạn 1930-1954). Thông qua chương trình, du khách được tìm hiểu về cuộc sống tù đày với sự gian khổ, thiếu thốn nhưng vẫn vững vàng ý chí, tinh thần cách mạng của các nữ chiến sĩ. Hình ảnh các bà, các mẹ, các chị hiện lên như những đóa hoa kiên cường trong bão táp…
Với sự chuân bị chu đáo, Di tích Nhà tù Hỏa Lò hy vọng sẽ đón được nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, kích cầu du lịch và quảng bá hình ảnh Thủ đô.
Mai Chi