Di sản – Bảo tồn

Di tích Nhà tù Hỏa Lò: Địa chỉ đỏ thu hút khách tham quan

Những năm qua, việc triển khai, chỉ đạo, tuyên truyền và giám sát thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” được Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phổ biến thường xuyên và lồng ghép trong các buổi họp giao ban, sinh hoạt Chi bộ hằng tháng và triển khai các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị.

Toàn thể cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích luôn cố gắng, nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, vượt qua những khó khăn, thách thức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các đảng viên thực sự làm nòng cốt gương mẫu, tiên phong trong thực hiện các phong trào thi đua, đổi mới, sáng tạo, xây dựng môi trường đơn vị văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, đưa Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực sự là một trong những địa chỉ cho những bài học lịch sử hấp dẫn và là điểm đến ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước.

Trưng bày chuyên đề nhân kỷ niệm các sự kiện lịch sử, ngày lễ trọng đại của đất nước

Là một địa danh lịch sử tiêu biểu của Thủ đô, để phát huy tốt các giá trị của Di tích, ngoài việc chú trọng giữ gìn các đơn nguyên kiến trúc gốc, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật về Nhà tù Hỏa Lò, Ban Quản lý Di tích đặc biệt chú trọng đến việc đưa các hoạt động trải nghiệm lồng ghép trong hệ thống trưng bày thường xuyên, tạo nên tính chân thực, hấp dẫn và kích thích sự tham gia của công chúng. Đơn vị đã nâng cấp trải nghiệm tham quan của du khách tại hệ thống trưng bày thường xuyên; xây dựng những bài thuyết minh trưng bày phù hợp với từng lứa tuổi, nội dung lịch sử được truyền tải đến du khách qua lời dẫn chuyện của thuyết minh viên, kết hợp với âm thanh sống động, phù hợp; đổi mới hình thức thể hiện, tăng cường trải nghiệm thực tế không gian trưng bày chuyên đề.

Hằng năm, đơn vị giới thiệu đến công chúng từ 3 đến 5 trưng bày chuyên đề nhân kỷ niệm các sự kiện lịch sử, ngày lễ trọng đại của đất nước với nội dung, đề tài phong phú. Các hoạt động tương tác được ứng dụng nhiều hơn trong các trưng bày chuyên đề, hỗ trợ gia tăng trải nghiệm của khách tham quan. Đơn vị đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm thực tế và biểu diễn các hoạt cảnh tái hiện lại sự kiện lịch sử liên quan đến nội dung trưng bày; chú trọng xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục, trải nghiệm tại Di tích; tổ chức nhiều cuộc giao lưu với nhân chứng lịch sử; các cuộc thi tìm hiểu về di tích…

Chương trình tham quan trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân”

Đặc biệt, Ban Quản lý Di tích đã tổ chức chương trình tham quan trải nghiệm Di tích Nhà tù Hỏa Lò về đêm với chủ để “Đêm thiêng liêng 2 – Sống như những đóa hoa”, “Đêm thiêng liêng 3 – Lửa thanh xuân”. Không gian Di tích vào buổi tối được kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, cùng những câu chuyện kể chân thực về cuộc sống đọa đày nơi tù ngục, được sân khấu hóa bằng các hoạt cảnh, đưa du khách ngược thời gian, cảm nhận lịch sử như đang diễn ra ngay trước mắt, giúp đánh thức mọi giác quan, mang đến cho du khách những cảm xúc, ấn tượng sâu sắc. Sau khi trải nghiệm chương trình Đêm thiêng liêng, du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ thấu hiểu hơn giá trị của độc lập, hòa bình mà ngày hôm nay mình được thụ hưởng, được tiếp thêm động lực trong công việc và cuộc sống hằng ngày, thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn để chung tay xây dựng đất nước.

Ban Quản lý Di tích đẩy mạnh công tác truyền thông theo giai đoạn và sự kiện. Đăng tải các bài viết lên trang Fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Sản xuất các ấn phẩm truyền thông tại điểm sử dụng của Di tích Nhà tù Hỏa Lò: Poster Đêm thiêng liêng, clip Animation quảng bá Đêm thiêng liêng. Đăng tải nội dung các trưng bày chuyên đề tổ chức tại Di tích lên Spotify, Apple Podcast và Website. Không ngừng nâng cao chất lượng đón tiếp và phục vụ; đào tạo nhân viên có thái độ phục vụ, đón tiếp khách tham quan chuyên nghiệp, niềm nở, tận tình, chu đáo; đảm bảo môi trường Di tích xanh, sạch, đẹp; bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất trong không gian trưng bày nhằm hướng tới phục vụ du khách tốt nhất.

Trưng bày lưu động tại Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày, huyện Phú Xuyên

Ban Quản lý Di tích luôn tạo điều kiện cho đội ngũ viên chức, nhân viên nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn; cử viên chức, nhân viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn nhằm đảm bảo theo chức danh nghề nghiệp viên chức, vị trí việc làm, đồng thời tạo động lực để viên chức, nhân viên không ngừng nâng cao trình độ, năng lực làm việc, đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Đơn vị quan tâm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho cán bộ, viên chức. Bộ Quy tắc ứng xử được đơn vị bố trí tại khu vực lễ tân đón tiếp khách tham quan và phòng làm việc của cán bộ, viên chức.

Trong giai đoạn tới, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục quan tâm tới công tác tổ chức đón tiếp, thuyết minh chu đáo cho các đoàn khách đến tham quan Di tích vào ban ngày tất cả các ngày trong tuần và các buổi tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần. Phục vụ chu đáo các cuộc họp của Ban Liên lạc Nhà tù Hoả Lò, Thường trực Ban Liên lạc các Nhà tù trong cả nước có mặt tại Hà Nội; lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên của các cơ quan, đơn vị tổ chức tại Di tích; tổ chức trưng bày chuyên đề với nhiều nội dung, đề tài phong phú gắn liền với các sự kiện lịch sử, các ngày lễ trọng đại của đất nước. Các hoạt động tương tác được ứng dụng nhiều hơn trong các trưng bày chuyên đề, hỗ trợ gia tăng trải nghiệm của khách tham quan, lan tỏa hình ảnh Di tích.

Khách tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Với mục tiêu đưa Di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc sáng tạo ra các hoạt động trải nghiệm; hoạt động tương tác được ứng dụng nhiều hơn trong các trưng bày chuyên đề; đẩy mạnh truyền thông; nâng cao chất lượng phục vụ… nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, từ đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là để thế hệ trẻ Thủ đô thêm hiểu, thêm yêu lịch sử dân tộc Việt Nam./.

Mai Chi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *